Họp Quốc hội: Kiểm soát chặt chẽ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh

Đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh cần rút ngắn thủ tục hành chính giữa cơ sở khám, chữa bệnh với người bệnh tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khám bệnh tốt hơn.
Họp Quốc hội: Kiểm soát chặt chẽ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh ảnh 1Quốc hội thảo luận tại hội trường. (Ảnh: TTXVN)

Khám chữa bệnh là dịch vụ đặc thù có liên quan chặt chẽ tới tính mạng, sức khỏe của người dân, do đó, việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện, trách nhiệm hành nghề là hết sức cần thiết. Do đó, cần quy định cụ thể các trình tự, thủ tục hành chính, các yêu cầu về khám, chữa bệnh. 

Đây là ý kiến của đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) ở phiên thảo luận tại Hội trường quốc hội về Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) diễn ra chiều 6/1.

Đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt hơn

Theo đại biểu Lưu Văn Đức, dự thảo Luật có bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, quản lý hoạt động khám, chữa bệnh, đại biểu cho biết, đối với các quy định kế thừa quy định của luật hiện hành, thời gian xử lý của cơ quan quản lý Nhà nước đã được dự thảo Luật rút ngắn nhiều, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là các thủ tục hành chính có liên quan giữa cơ quan nhà nước và cơ sở khám, chữa bệnh. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần đề cập cụ thể đến việc rút ngắn thủ tục hành chính giữa cơ sở khám, chữa bệnh với người bệnh.

[Tán thành Hội đồng Y khoa quốc gia do Thủ tướng thành lập]

Còn đại biểu Huỳnh Văn Sang (đoàn Bình Phước) nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi luật này nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe của người dân được tốt hơn. Vì vậy, dự án Luật cần đảm bảo thích nghi, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Về phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, Ban soạn thảo đã cơ bản tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, đây là vấn đề làm thay đổi toàn bộ hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến cơ chế thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chuyển tuyến đối với ngành y tế, trong khi lại quy định chưa rõ về vai trò, chức năng của từng cấp, chưa rõ về cách phân định trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, việc quy định cụ thể nhằm xác định các chuyên môn kỹ thuật tương ứng cũng là phương thức, cách thức kết nối của các cấp trong chuỗi cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tránh để về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp trên cũng làm việc khám bệnh, chữa bệnh của cấp dưới.

Mặt khác, lộ trình thay đổi về cách thức phân cấp, phân tuyến khám bệnh, chữa bệnh cũng phải rà soát về chức năng, nhiệm vụ để đưa ra khung năng lực của từng cấp nhằm xếp vị trí của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trong ba cấp khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu nhấn mạnh, việc phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng cần đặt trong quy hoạch tổng thể của ngành y tế nhằm tránh tình trạng căn cứ theo năng lực cung cấp mà quá nhiều cơ sở y tế được xếp vào một cấp và việc phân cấp theo 3 cấp thì việc thực hiện nhiệm vụ từ khám bệnh, chữa bệnh tổng quát cũng như khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu vẫn chưa thể tháo gỡ những khó khăn, bất cập hiện hành, chưa giải quyết được tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và chưa thể hiện rõ mục đích trong việc không lại trong hệ thống.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu và quy định thật cụ thể để khi triển khai thực hiện sẽ được dễ dàng hơn.

Hội đồng y khoa cần tinh gọn

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cơ bản nhất trí với quy định về Hội đồng y khoa Quốc gia trong dự thảo luật để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm băn khoăn trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, việc thành lập Hội đồng y khoa quốc gia lại phải tổ chức thêm bộ máy, biên chế. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cân nhắc thêm về vấn đề này khi thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia.

Theo ông, Hội đồng Y khoa quốc gia đã được Thủ tướng thành lập từ năm 2020 và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ cho tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

Mặt khác, dự thảo giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng y khoa quốc gia, thiết nghĩ các nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia theo như dự thảo luật là rất quan trọng, mang tính chuyên môn sâu như xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề… 

Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia đảm bảo đáp ứng trình độ chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ luật giao, nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung ngay trong luật các quy định cụ thể đối với các cơ sở dịch vụ y tế nói chung, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nói riêng tăng cường sự quản lý nhà nước đối với cả cơ sở này.

Đồng thời, cân nhắc nghiên cứu giảm thời gian thực hành hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để tạo điều kiện cho các bác sỹ ra trường được sớm hành nghề bổ sung lực lượng cho đội ngũ y tế hiện nay.

Họp Quốc hội: Kiểm soát chặt chẽ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Danh Tú phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan tới những trường hợp không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đề nghị bổ sung những người đang trong thời gian thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ vì hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật.

Về hồ sơ bệnh án, dẫn khoản 3 Điều 69 quy định, đại biểu Nguyễn Danh Tú cho rằng, quy định như dự thảo còn cứng nhắc, khiến người bệnh khó tiếp cận hồ sơ bệnh án của chính mình, đồng thời đề nghị cân nhắc bổ sung quy định người bệnh, người đại diện của người bệnh được quyền khai thác hồ sơ bệnh án của chính người bệnh trong quá trình điều trị.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định), cho biết điểm d khoản 2, Điều 30 về các trường hợp áp dụng cấp mới giấy phép hành nghề có quy định: cấp mới giấy phép hành nghề trong trường hợp “không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này hoặc đang trong thời gian có hiệu lực của quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề.”

Đại biểu đề nghị sửa lại thành “không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này hoặc đang trong thời hạn chưa được xóa quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục