Họp Quốc hội: Đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động

Về vấn đề dạy nghề và lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, tổng quát cho thấy, lực lượng lao động của nước ta phục hồi nhanh, chuỗi cung ứng lao động không bị đứt gãy.
Họp Quốc hội: Đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 28/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Giải trình về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết cùng với những thành tựu về kinh tế, thời gian qua, với sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, các lĩnh vực an sinh xã hội đã được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả.

Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế, người nghèo đều được quan tâm thông qua việc Nhà nước ban hành các chính sách, thể chế về vấn đề này; nhiều chính sách hỗ trợ đã vượt trội.

"Chúng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chăm sóc, hỗ trợ người dân, người cao tuổi, phụ nữ sinh con và trẻ em bị tác động bởi đại dịch COVID-19, nhất là trẻ em mồ côi. Nhiều chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết định", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.

Năm 2020, nhiều chính sách mới đã được ban hành theo hướng nhanh nhất, thủ tục, hồ sơ đơn giản nhất và triển khai quyết liệt, đem lại hiệu quả thiết thực nhất.

Sau Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và Quyết định 08/2022/QĐ-TTg Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cũng được ban hành kịp thời. Đến nay, đã có 87.000 tỷ đồng được hỗ trợ cho trên 56 triệu lượt người lao động, người dân và trên 730 nghìn người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

[Thảo luận vấn đề kinh tế-xã hội, thí điểm cơ chế phát triển TP.HCM]

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng những chính sách này đã góp phần rất quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế. Đời sống nhân dân được cải thiện một bước dù còn một bộ phận khó khăn.

Thu nhập bình quân của người lao động trong quý 3, qua khảo sát của Tổng cục Thống kê, đạt 7,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021; riêng khu vực dịch vụ bình quân đạt trên 8 triệu đồng, tăng 29,4%.

Điều này cho thấy, cuộc sống của người lao động đã dần trở lại bình thường. Một số vấn đề như nhà ở, nhà trọ, các chính sách an sinh xã hội, lưới an sinh, nhu cầu thiết yếu cũng được các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm theo hướng thiết thực hơn.

Riêng về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay đây là một trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia và được hoàn thiện nhanh nhất, sớm nhất, đồng bộ nhất.

"Chúng tôi đã hoàn thành tất cả các văn bản, thể chế và đến nay tất cả 48 địa phương được hỗ trợ theo quy định Nhà nước, đều đã phân bổ các chương trình, dự án; chỉ tiêu giảm nghèo về cơ bản đạt được," Bộ trưởng nêu rõ.

Về vấn đề dạy nghề và lao động, Bộ trưởng đánh giá, tổng quát cho thấy, lực lượng lao động của nước ta phục hồi nhanh, chuỗi cung ứng lao động không bị đứt gãy.

Đến nay, quy mô lao động của Việt Nam đạt 51,9 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động đạt 68,7%. Tỷ lệ thất nghiệp đến thời điểm này là 2,28 %. Việt Nam thuộc các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Nêu quan điểm về công tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, lĩnh vực này có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô lẫn chất lượng; tỷ lệ người học nghề tăng lên; nhận thức xã hội của gia đình và người học có chuyển biến; đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn.

Họp Quốc hội: Đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động ảnh 2Đại biểu Quốc hội Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Điều đáng mừng là kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường. Tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ đào tạo được tăng lên.

Lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh, đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực, việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí.

Tuy nhiên, nhìn chung công tác đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức. Cả nước hiện nay còn 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm trên 9% số hộ gia đình theo tiêu chí mới.

Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, lưới an sinh bao phủ còn thấp, nhất là những vấn đề khó khăn như nhà ở công nhân. Các thiết chế văn hóa xã hội dành cho người lao động còn hạn chế. Lao động có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

"Chúng ta đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt là thiếu nhân lực chất lượng cao dẫn đến năng suất lao động thấp cũng là điều dễ hiểu. Lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực của chúng ta thấp. Dự kiến kết quả giảm nghèo của năm 2022 tuy đạt được chỉ tiêu nhưng ở mức thấp nhất trong những năm qua. Đây là vấn đề chúng ta phải nhìn nhận một cách đầy đủ, xác đáng," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, phát triển.

Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển thị trường linh hoạt, hiện đại, bền vững, phát triển; trong đó nòng cốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung cầu lao động, góp phần chuyển dịch, nâng cao năng suất lao động.

Cùng với đó, chú trọng các chương trình đầu tư công; khẩn trương hoàn thiện, tiếp nhận, chuyển giao các chương trình đào tạo chất lượng cao hàng đầu thế giới, nhất là của Đức, từ đó phấn đấu vào top ASEAN 4; góp phần dẫn dắt thực hiện đào tạo theo cơ chế doanh nghiệp nhà nước và người học cùng tham gia.

"Mỗi doanh nghiệp lớn sẽ là một trường thực hành, nhất quán chủ trương phân luồng sớm, phân luồng mạnh, nâng cao tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề," Bộ trưởng nêu rõ.

Về một số vấn đề vướng mắc liên quan đến việc công nhận học sinh cấp 2, cấp 3 trong các trường nghề, Bộ trưởng cho biết vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội nêu trong rất nhiều kỳ họp, tuy nhiên đến nay, vẫn chưa được tháo gỡ.

Hiện cả nước có 63/63 địa phương đều tiến hành tổ chức cho các trường nghề dạy văn hóa gồm 625 trường nghề vừa học nghề vừa học văn hóa với khoảng trên 400.000 người các cháu đang học.

Điều này phù hợp với quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và kết luận của Quốc hội. Nội dung này cũng đã được thử nghiệm, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho áp dụng triển khai nhiều năm.

Theo thông lệ quốc tế, nhất là tại các nước phát triển giáo dục nghề nghiệp như Đức, Nhật, Singapore, các quốc gia đều triển khai theo hướng này. Phần lớn các học sinh học trường nghề đều vừa học nghề vừa học văn hóa. Lý do là các cháu không có nhu cầu học cao hơn hoặc gia đình khó khăn. Các học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề để sớm tiếp cận thị trường.

"Đây là một chủ trương đúng, do đó chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và tối qua Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu là 3 Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Lao động-Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tháo gỡ chuyện này. Tối qua tôi đã trao đổi với đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết tâm, kết thúc Kỳ họp này phải tháo gỡ được vấn đề trên," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục