Ngày 16/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã chính thức trao Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam trên cơ sở hợp nhất hai Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) và Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Tây Dương (OSC.)
Như vậy, Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam là công ty chứng khoán hợp nhất thứ hai trên thị trường, kể từ khi Công ty Chứng khoán MB thực hiện hợp nhất đầu tiên trên cơ sở từ hai Công ty cổ phần Chứng khoán MB và Công ty cổ phần Chứng khoán VIT (9/12/2013.)
Ông Ninh Quang Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam, cho biết công ty hợp nhất sẽ giữ nguyên đội ngũ nhân sự của VIS và OSC (trước hợp nhất,) như vậy số nhân sự của công ty mới là khoảng 40 người.
Theo đó, VIS (hợp nhất) sẽ hoạt động trong các lĩnh vực môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, với giá trị vốn điều lệ là 60 tỷ đồng.
“Sau 13 năm hoạt động, tốc độ gia tăng của các công ty chứng khoán đang vượt quá nhu cầu của thị trường do đó cần phải được điều chỉnh. Việc hợp nhất hai Công ty chứng khoán OSC và VIS sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí đồng thời thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, nâng cao hiệu quả hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh thị phần ngày càng gay gắt,” ông Hải nói.
Tại sự kiện này, ông Vũ Bằng-Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, trong quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán đã rất chủ động tái cấu trúc lại các hoạt động của công ty, từ kết cấu mạng lưới, nhân sự, cơ cấu tài chính, tài sản…
“Thời gian qua, quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã mang lại những bước thành công quan trọng, đây là cơ hội để đổi mới và phát triển ổn định thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo số liệu đánh giá, đến thời điểm hiện nay trên thị trường đã giảm khoảng 20% số lượng công ty chứng khoán. Về chất lượng, các chỉ tiêu an toàn tài chính đã được tăng cường, số các công ty chứng khoán đạt chỉ tiêu an toàn tài chính từ 180% trở lên đã tăng trên 10% so với thời điểm năm 2011. Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu cũng tăng với tốc độ tương đối tốt, bên cạnh đó chỉ tiêu thanh toán cũng tăng từ mức 1,7 lần (năm 2011) lên đến 2,1 lần tại thời điểm hiện nay,” ông Bằng cho biết./.