Họp mặt nhân chứng lịch sử, thân nhân liệt sỹ tổng tiến công 1968

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức họp mặt các nhân chứng lịch sử, thân nhân gia đình liệt sỹ hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Họp mặt nhân chứng lịch sử, thân nhân liệt sỹ tổng tiến công 1968 ảnh 1Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tặng hoa và chúc mừng sự đoàn tụ của gia đình bà Diệp Tú Anh (bìa trái), nguyên là chiến sỹ biệt động thành và 2 con trai Diệp Tuấn (thứ 2, từ trái) và Diệp Dũng (giữa) tại buổi họp mặt. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Chiều 5/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt các nhân chứng lịch sử, thân nhân gia đình liệt sỹ hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với chủ đề “Tri ân và tiếp bước.” 

Theo bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, 50 năm đã trôi qua nhưng giá trị lịch sử, tinh thần và ý chí của sự kiện lịch sử này vẫn còn vẹn nguyên. Tinh thần và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng, là truyền thống quý báu, bài học lớn, vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng.

Buổi gặp gỡ thể hiện sự trân trọng, tri ân những người đã ngã xuống, hiến dâng cả sinh mạng của mình cho Tổ quốc, tri ân những con người thầm lặng gánh chịu những mất mát của chiến tranh để san sẻ tình riêng cho vận mệnh chung, chấp nhận cả những thiệt thòi chưa kịp bù đắp trong thời hậu chiến.

Ông Trần Thiện Tứ, nguyên Ủy viên Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam khu Sài Gòn-Gia Định nhớ về đêm Đại hội Văn nghệ Học sinh, sinh viên mừng Tết Quang Trung vào tối 26 tháng Chạp Tết Mậu Thân 1968. Ông chia sẻ, trong điều kiện rất khó khăn nhưng đêm văn nghệ Quang Trung vẫn được tổ chức công khai và thành công. Nhiều tiết mục tuyên truyền bảo vệ văn hóa dân tộc, đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, ca ngợi đất nước đã tạo không khí đấu tranh sôi nổi, soi đường yêu nước cho giới trẻ lúc bấy giờ.

Ông Kiều Xuân Long, nguyên Chánh Văn phòng, nguyên Bí thư Đảng ủy cơ quan Ban Trí vận nhấn mạnh, sự kiện quy tụ 12.000 thanh niên, sinh viên, học sinh này là đòn tấn công chính trị trực diện vào địch, là một hoạt động đấu tranh góp phần quan trọng làm nên sự kiện Mậu Thân - sự kiện đã làm cho cả thế giới bừng tỉnh và nhìn nhận đúng đắn về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Tự hào truyền thống cách mạng, biết ơn sự hy sinh anh dũng của người thân cũng như các chiến sỹ đã nằm xuống cho hòa bình của dân tộc, những người con, người cháu như chị Lê Thị Mai Uyên (cháu nội liệt sỹ Lê Thị Riêng), Diệp Tuấn (con của Liệt sỹ Trần Huân Phương và nữ biệt động Sài Gòn Diệp Tú Anh) đại diện cho thế hệ hôm nay khẳng định sẽ luôn nỗ lực cống hiến, tiếp bước cha anh góp sức xây đựng đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục