Ngày 6/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, các đại biểu chất vấn thành viên Ủy ban Nhân dân thành phố về nhóm vấn đề quản lý nhà chung cư.
Hầu hết các ý kiến chất vấn của đại biểu tập trung vào nhóm vấn đề bất cập, gây bức xúc cho cử tri như tranh chấp diện tích sử dụng chung, không bàn giao quỹ bảo trì của Ban quản trị và trách nhiệm quản lý nhà nước trong quản lý và vận hành nhà chung cư.
Quản lý, vận hành nhà chung cư còn bất cập
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đề nghị các đại biểu nêu chất vấn tập trung đúng trọng tâm, ngắn gọn, hỏi thẳng vào vấn đề. Thời gian đặt câu hỏi không quá 1 phút.
Người trả lời chất vấn là Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, thành viên Ủy ban Nhân dân thành phố, Giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng đơn vị và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã trả lời đúng nội dung, không né tránh vấn đề đại biểu quan tâm. Đặc biệt, những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, người trả lời phải xác định rõ nguyên nhân, địa chỉ cụ thể, giải pháp, lộ trình, thời gian khắc phục để đại biểu và nhân dân theo dõi, giám sát.
Nội dung phiên chất vấn gồm hai phần chất vấn trực tiếp và chất vấn bằng văn bản. Đáng chú ý, với hình thức chất vấn trực tiếp tại hội trường, nhiều câu hỏi tâm huyết, trách nhiệm, các đại biểu đã thẳng thắn đặt vấn đề về những bất cập trong quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
Đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ Đại biểu huyện Mê Linh) cho biết, tính đến hết năm 2017, trên địa bàn thành phố còn 270/688 nhà chunng cư thương mại chưa thành lập Ban quản trị, 131 nhà chưa bàn giao hồ sơ và thành lập Ban quản trị, 235 nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì, gây nhiều bức xúc cho cư dân. Do vậy, đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho ý kiến, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm quản lý nhà nước của đơn vị, giải pháp và lộ trình thực hiện giải quyết vấn đề bức xúc của nhân dân?
Một số đại biểu thẳng thắn nêu việc tổ chức hội nghị nhà chung cư là thủ tục đầu tiên để triển khai thủ tục quản lý vận hành nhà theo nguyên tắc công khai, dân chủ. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm và kết quả hạn chế.
Việc xác định diện tích chung, riêng ở các tòa nhà chưa kịp thời, rõ ràng, nhiều trường hợp dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện.
Một số chủ đầu tư chậm bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% dẫn đến Ban quản trị nhà chung cư không đủ điều kiện hoạt động, nhiều trường hợp tranh chấp giữa chủ đầu tư và Ban quản trị…
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tổ Đại biểu huyện Sóc Sơn) đặt vấn đề, hiện nay, một số khu chung cư mới người dân đã vào ở, nhưng chưa thành lập được Ban quản trị.
Nhiều nhà thành lập được Ban quản trị, song lại xảy ra mâu thuẫn giữa Ban quản trị và cư dân trong các vấn đề như không công khai quỹ bảo trì, không minh bạch trong quản lý tòa nhà nên có hiện tượng căng băng rôn, gửi đơn thư khiếu kiện.
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình chất vấn trách nhiệm của Ban quản trị như thế nào? Trách nhiệm của Sở, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các quận trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm của những Ban quản trị đó?
Tiếp thu những ý kiến của đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thừa nhận những vấn đề đại biểu nêu hoàn toàn đúng.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên có một phần trách nhiệm của Sở Xây dựng chưa kịp thời hoặc chưa kiên quyết tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo chủ đầu tư chây ì trong việc không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn kinh
[Hà Nội công bố 91 công trình nhà cao tầng mất an toàn phòng cháy]
Không duyệt dự án mới với các chủ đầu tư vi phạm
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư và bầu Ban quản trị còn chậm và kết quả hạn chế do chung cư mới hoàn thành chưa đủ số hộ dân đến ở theo quy định (theo Điều 13 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng, trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được đưa vào khai thác, sử dụng và có 50% căn hộ được bán trở lên, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì tổ chức Hội nghị nhà chung cư đế bầu Ban quản trị) nên không đủ điều kiện để tổ chức Hội nghị.
Theo ông Lê Văn Dục, theo quy định của Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị. Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu khi chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư hoặc có đơn của đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao hoặc chủ đầu tư đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư, nhưng không đủ số người tham gia Hội nghị hoặc chủ đầu tư có văn bản đề nghị.
Tuy nhiên, trên thực tế một số Ủy ban Nhân dân quận, huyện chưa chủ động trong việc đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị khi đủ điều kiện; phối hợp với chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư khi chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư không thành công.
Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Văn Dục cho biết, ngày 18/6/2018, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có chỉ đạo tại Văn bản số 2744/UBND-ĐT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư có liên quan đến quản lý, sử dụng, vận hành chung cư thương mại, chung cư tái định cư trên địa bàn phải khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan. Theo đó, trong quý ba, phải hoàn thành việc thành lập Ban quản trị, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị; xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với trường hợp chủ đầu tư chậm triển khai, không thực hiện; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch, phương án xử lý theo quy định.
“Đối với những tòa nhà đủ điều kiện thành lập Ban quản trị, nhưng chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị thì Sở Xây dựng phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện họp, xử lý theo quy định; đồng thời lập danh sách theo dõi để báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố không xem xét giải quyết hồ sơ đề xuất đầu tư đối với các dự án, công việc khác của các chủ đầu tư vi phạm trên địa bàn thành phố," ông Lê Văn Dục nhấn mạnh.
Về vấn đề một số chủ đầu tư chậm bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% dẫn đến Ban quản trị nhà chung cư không đủ điều kiện hoạt động; nhiều trường hợp tranh chấp giữa chủ đầu tư và Ban quản trị. Nguyên nhân là do chủ đầu tư quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì không đúng mục đích; không lập tài khoản riêng để tạm quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, nếu chủ đầu tư và Ban quản trị đã quyết toán số liệu kinh phí bảo trì, nhưng không bàn giao kinh phí bảo trì thì báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố ra văn bản yêu cầu chủ đâu tư bàn giao kinh phí cho Ban quản trị.
Nếu Ủy ban Nhân dân thành phố đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị mà chủ đầu tư không thực hiện bàn giao thì Sở Xây dựng báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao; nếu chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao thì Sở Xây dựng báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố ra quyết định cưỡng chế./.