Hợp đồng gói 30.000 tỷ đồng: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm tra ngay

Nếu có nội dung hợp đồng tín dụng mập mờ, làm cho khách hàng không hiểu rõ, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp xử lý phù hợp.
Hợp đồng gói 30.000 tỷ đồng: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm tra ngay ảnh 1(Ảnh minh họa: Quách Lắm/TTXVN)

Nhiều khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng đang "ngồi trên đống lửa" khi nhận được thông tin: vốn giải ngân sau ngày 1/6/2016 không được tính theo lãi suất ưu đãi 5% mà áp dụng lãi suất thương mại.

Thiệt hại vì không được tư vấn

Chị Nguyễn Thị Thương hiện đang ký hợp đồng mua nhà ở xã hội với một ngân hàng thương mại lớn để mua căn hộ Khu đô thị Thanh Hà do Cenco 5 làm chủ đầu tư.

Mặc dù đã ký hợp đồng tín dụng từ tháng 11/2015 vay 550 triệu đồng nhưng đến nay chị Thương vẫn chưa giải ngân đồng nào từ ngân hàng nên khi nghe thông tin nếu giải ngân sau ngày 1/6 thì lãi suất sẽ theo thị trường nên chị Thương rất lo lắng.

"Vợ chồng tôi khi xác định mua và vay gói 30.000 tỷ đồng cũng đã phải cân đối rất kỹ việc trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng rồi, giờ lãi suất tăng theo lãi suất thương mại thì chúng tôi rất khó có khả năng trả nợ vì có thể lãi suất sẽ cao gấp đôi hoặc hơn. Ngoài ra, khi ký hợp đồng, chủ đầu tư, môi giới và nhân viên ngân hàng cũng không hề tư vấn cho gia đình tôi, họ chỉ nói lãi suất được áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước," chị Thương lo lắng.

Chị Thương cho biết, chị và các khách hàng khác đang làm đơn đưa lên chủ đầu tư để mong được giải ngân trước ngày 1/6. Tuy nhiên theo quy định chỉ được phép huy động không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, như vậy có khả năng 30% còn lại sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi 5% từ gói 30.000 tỷ đồng.

May mắn hơn chị Thương, chị Phạm Thị Trang hiện đang có hợp đồng vay mua nhà ở xã hội tại khu Nam Linh Đàm cũng với 550 triệu đồng nhưng đến thời điểm này chị Trang cũng mới chỉ giải ngân được 280 triệu đồng, vẫn còn 270 triệu đồng đến tháng Mười mới được giải ngân tiếp.

"Tôi thật sự lo lắng vì 'chắc mẩm' toàn bộ hợp đồng vay vốn sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi nên mới dám vay. Hiện không chỉ tôi mà hầu hết mọi người đều nghĩ vậy. Đến nay khi nghe thông tin này mới tá hỏa,” chị Trang cho hay.

Chị Trang cũng cho biết, chị và nhiều người mua đã không được chủ đầu tư và ngân hàng cho biết rõ ràng về thời điểm hết hạn giải ngân gói ưu đãi. Vì thế, hầu hết mọi người đều hiểu sai về thời gian hưởng lãi suất ưu đãi.

Liên quan đến sự hiểu nhầm này, các chuyên gia cho rằng, có nguyên nhân khách hàng sơ suất không xem kỹ trong hợp đồng vay vốn với ngân hàng. Đặc biệt, rất nhiều môi giới cố tình mập mờ rằng lãi suất ưu đãi sẽ được kéo dài suốt thời gian vay. T​hông tin đến người mua nhà mập mờ, chủ đầu tư mập mờ, ngay cả các ngân hàng thực hiện cũng lập lờ dẫn đến tình trạng như hiện nay. ​Cuối cùng, chỉ có khách hàng là gánh chịu thiệt hại.

Đại diện một chủ đầu tư cũng đã thẳng thắn thừa nhận, sự hiểu sai của người dân một phần do lỗi của người bán hàng.

Dù thế nào thì hậu quả cuối cùng chỉ có người mua nhà gánh chịu bởi suy cho cùng họ là người tiếp tục phải trả khoản nợ vay ngân hàng, còn chủ đầu tư thì đã hoàn thành xong công việc bán nhà của họ.

Sẽ kiểm tra hợp đồng

Chiều ngày 11/3, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 11/2013/TT-NHNN quy định: Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư này.

Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng tái cấp vốn khi giải ngân hết số tiền (khoảng 30.000 tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 01/06/2013).

Như vậy ngay từ đầu chương trình,  Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất rõ về thời hạn kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở, lãi suất vay ưu đãi cũng như trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục đăng tải quy định, hướng dẫn cụ thể về nội dung này trên phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp  thông tin để doanh nghiệp, người dân được biết.

Về thông tin cho rằng khách hàng vay vốn theo Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP chỉ được hưởng lãi suất vay ưu đãi trong 3 năm đầu tiên, thời gian vay vốn còn lại chịu lãi suất vay thương mại thông thường, theo Ngân hàng Nhà nước, tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 và tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư 32/2015/TT-NHNN ngày 18/11/2015 của Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất rõ về thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở. Đối với phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước được hưởng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (tối đa 15 năm).

Đối với thông tin cho rằng một số khách hàng vay vốn mặc dù đã ký hợp đồng tín dụng nhưng không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi, theo Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2015/TT-NHNN, các ngân hàng tham gia Chương trình có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện việc thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ngân hàng cho vay có trách nhiệm đưa các quy định về thời hạn cho vay, mức lãi suất… vào nội dung hợp đồng tín dụng để thỏa thuận, ký kết với khách hàng.

"Về thông tin nội dung hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng còn mập mờ, khách hàng chưa hiểu rõ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra ngay, yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo và có biện pháp xử lý phù hợp," lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Luật sư Bùi Quang Hưng, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ gói 30.000 tỷ đồng đã rõ ràng ngay từ đầu. Các chủ đầu tư chắc chắn phải biết rõ, nhưng thông tin đã bị đánh lận mập mờ, khiến người mua nhà không hiểu một cách tường tận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục