Họp đại hội cổ đông, Vinaconex dự kiến chia cổ tức 12%

Sau nhiều lần trì hoãn, đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như giới đầu tư.
Họp đại hội cổ đông, Vinaconex dự kiến chia cổ tức 12% ảnh 1Đại hội cổ đông của Vinaconex. (Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN)

Sáng 28/6, tại Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã chứng khoán VCG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.

Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối sang chủ sở hữu tư nhân, các cổ đông lớn của Vinaconex liên tiếp có những bất đồng quan điểm, thậm chí khiếu kiện ra tòa án khiến Đại hội đồng cổ đông bị trì hoãn. Bởi vậy, đại hội lần này của Vinaconex thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như giới đầu tư.

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của Vinaconex, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 10.084 tỷ đồng, bằng 84,4% tổng doanh thu năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 639 tỷ đồng, bằng 39,2% lợi nhuận sau thuế năm 2017.

Riêng Công ty mẹ, tổng doanh thu đạt 70% nhưng lợi nhuận sau thuế đã đạt 120% so với kế hoạch đã được Đại hội cổ đông năm 2018 thông qua.

Năm nay, Công ty mẹ phấn đấu đạt tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 3.600 tỷ đồng và 650 tỷ đồng; bằng 115% và 110% so với thực hiện năm 2018. Tỷ lệ cổ tức 12% và bằng 100% kế hoạch năm 2018. Hợp nhất toàn Tổng công ty, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 10.100 tỷ đồng và 743 tỷ đồng; bằng 100,2% và 116% so với thực hiện năm 2018.

Vinaconex dự kiến năm nay sẽ thu xếp nguồn vốn khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án cũ và mới và bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua hình thức vay tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Nhóm cổ đông sở hữu Vinaconex gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Quý Hưng là cổ đông lớn nhất sau khi mua lại từ SCIC trong phiên đấu giá cuối năm 2018; tiếp đó là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Cường Vũ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Star Invest.

[Vinaconex 39 phải chuyển sang giao dịch trên UPCoM vì kinh doanh lỗ]

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Star Invest đề nghị bổ sung vào chương trình một số nội dung như sửa đổi Quy chế hoạt động và Quy chế tài chính.

Theo Star Invest, quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị và Quy chế tài chính của Tổng công ty sau khi thay đổi cơ cấu cổ đông đã sửa đổi. Chủ tịch Hội đồng quản trị được quyết định các giao dịch lên đến 10% tổng giá trị tài sản của Vinaconex (tức khoảng 950 tỷ đồng) và Tổng giám đốc được quyết định các giao dịch lên đến 5% tổng giá trị tài sản (tức khoảng 475 tỷ đồng).

Nhóm cổ đông này lo ngại việc trao quyền quá lớn cho Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc là hình thức thâu tóm quyền lực vào nhóm cổ đông An Quý Hưng. Do đó, cần có cơ chế, biện pháp giám sát và hạn chế nguy cơ lạm quyền của chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, trong phần biểu quyết, đề xuất đưa việc chỉnh sửa quy chế tài chính của Star Invest vào chương trình Đại hội không được thông qua vì chỉ nhận được 31,52% đồng ý và tới 67,75% cổ đông không tán thành.

Hiện An Quý Hưng sở hữu 57,7% cổ phần mua lại từ SCIC trong khi hai cổ đông lớn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Cường Vũ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Star Invest nắm giữ lần lượt 21,3% và 7,6% cổ phần của Vinaconex./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục