Họp báo Chính phủ thường kỳ: Nóng tình hình lây nhiễm dịch COVID-19

Vấn đề nóng nhất được báo giới quan tâm tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 là tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức các chuyến bay thương mại đưa người Việt Nam về nước.
Quang cảnh họp báo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quang cảnh họp báo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Vấn đề nóng nhất được báo giới quan tâm trao đổi tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020 diễn ra tối 2/12 vẫn là tình hình dịch COVID-19 lây nhiễm tại Thành phố Hồ Chí Minh và việc tổ chức các chuyến bay thương mại đưa người Việt Nam về nước, đón chuyên gia nước ngoài sang làm việc.

Việc cách ly cần thực hiện chặt chẽ hơn

Với việc xuất hiện ca nhiễm mới tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các cơ quan chức năng đã phản ứng kịp thời, triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đây cũng là bài học kinh nghiệm với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện không nghiêm chỉ đạo về phòng, chống dịch.

Làm rõ thêm về việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay, Bộ xác định rõ phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm đầu tiên là của chính cá nhân đó. Vietnam Airlines đã có hành động ban đầu là đình chỉ người quản lý trực tiếp tiếp viên đó để kiểm điểm.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng nêu quan điểm đây là việc rất nghiêm trọng, tác động đến cộng đồng và thành quả phòng, chống dịch; cần xử nghiêm theo quy định của pháp luật, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể. Tổ tiếp viên, tổ lái… là những người có khả năng lây nhiễm cao phải tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, tới đây sẽ phải tổ chức kiểm tra, giám sát tốt hơn.

Còn theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành đưa ra những biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, trên tinh thần khẩn trương, thần tốc điều tra, truy vết, cách ly tất cả trường hợp F1, F2, không để lây nhiễm sang chu kỳ thứ 3.

Liên quan đến tổ chức đường bay thương mại đưa người Việt Nam về nước và đón chuyên gia nước ngoài sang làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin, đây là những việc rất cần thiết. Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam để thực hiện, trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch. Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu để tiếp tục duy trì hoạt động này.

[Thủ tướng ban hành Công điện tăng cường phòng, chống dịch COVID-19]

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là quyết liệt thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Việt Nam vẫn cho phép các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà đầu tư và người nhà của họ được nhập cảnh để làm việc, đầu tư.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhu cầu về nước của người Việt Nam vẫn rất lớn, trong khi khả năng cách ly trong nước có mức độ. Khi dịch COVID-19 lây nhiễm trở lại trong cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 1/12, Thủ tướng đã nêu rõ tinh thần, có các chuyến bay thương mại thì chuyên gia nước ngoài mới vào được, nhưng phải kiểm soát dịch chặt chẽ.

“Trong thời điểm hiện nay, chúng ta rất hạn chế đưa chuyên gia nước ngoài và các doanh nghiệp đầu tư cách ly trong khu Quân đội. Vì từ nay đến đầu năm 2021, nước ta sẽ có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước nên chúng ta sẽ hạn chế cách ly tại Hà Nội. Chuyến bay vẫn có thể về sân bay Nội Bài, nhưng cách ly ở các địa phương khác, vẫn về sân bay Vân Đồn, về Khánh Hòa, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng yêu cầu cách ly kiểm soát,” Bộ trưởng thông tin.

Họp báo Chính phủ thường kỳ: Nóng tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các cơ sở liên quan đến tiếp viên hàng không, tổ bay, phải quản lý chặt chẽ. Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục về, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét các đối tượng cụ thể, ưu tiên người cao tuổi, người ốm, trẻ em, những trường hợp hết hạn học tập, lao động… khi trở về sẽ thực hiện cách ly theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

“Chúng ta đã công bố nối chuyến bay thương mại với 7 nước nhưng thực tế mới thực hiện với Hàn Quốc và Nhật Bản,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay. Ông nhấn mạnh, các chuyến bay thương mại nhập cảng hàng không quốc tế tại Việt Nam, việc phối hợp với các cơ quan đưa đón và cách ly các đối tượng cần thực hiện chặt chẽ hơn. Tinh thần là sẽ cố gắng đưa về khu cách ly của Quân đội và các cơ sở lưu trú do địa phương chỉ định, có sự phối hợp quản lý chặt chẽ của các ngành, các cơ quan, đặc biệt là y tế tại các tuyến. Vấn đề xét nghiệm phải thực hiện tốt, tránh sơ hở, chủ quan. 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa

Về câu hỏi của báo giới liên quan đến việc tiếp tục tiến hành các biện pháp truy nã và vận động đầu thú đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sau khi xem xét thấy bà Thoa không có ở nơi cư trú và xác định bà Thoa đã xuất cảnh ngày 22/10/2018 qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã ra quyết định truy nã toàn quốc vào ngày 4/9.

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế cũng đã truy nã đỏ đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa. Hiện Cảnh sát điều tra cũng chưa có thông tin của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc bắt giữ bà Thoa ở nước ngoài.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan này đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa, khi bắt được bị can sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Họp báo Chính phủ thường kỳ: Nóng tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 ảnh 2Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an trả lời câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thiếu tướng Tô Ân Xô cũng trả lời một số thông tin về Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP. Theo đó, pháo hoa chỉ được sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.

Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng pháo hoa thì chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục