Nhiều vấn đề dư luận quan tâm liên quan đã được đại diện các cơ quan chức năng giải đáp tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Tám, diễn ra chiều tối 4/9.
Đó là vấn đề việc tiếp cận tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp; việc mua bán quân trang, cảnh phục, thẻ ngành của ngành Công an trên mạng; đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhằm giúp người lao động giảm bớt khó khăn...
Một việc chỉ giao cho một cơ quan làm
Thông tin về việc Chính phủ chấp thuận đề xuất giao Bộ Công an thực hiện việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe, trong khi trước đây việc này do Bộ Giao thông vận tải phụ trách, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện nay, tai nạn giao thông có giảm nhưng mức độ vi phạm luật gây ra tai nạn giao thông vẫn lớn. Do đó, các cơ quan chức năng có đề xuất xây dựng Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Đây không phải vấn đề tranh giành giữa 2 Bộ mà trên nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan làm, cơ quan nào làm tốt hơn giao cơ quan đó làm. Những gì liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ thuộc lĩnh vực của Bộ Công an, liên quan đến kết cấu hạ tầng các dự án giao thông thuộc lĩnh vực của Bộ Giao thông Vận tải.
Hiện nay, công tác đào tạo lái xe đều được xã hội hóa, nhưng việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe phải được quản lý chặt chẽ, tránh việc bằng giả, rao bán bằng lái xe trên mạng…
Hai Bộ Công an và Giao thông Vận tải đang tiếp tục xây dựng 2 Luật nêu trên để báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Trong quá trình làm, sẽ phân tích xem cơ quan nào làm tốt hơn để giao cơ quan đó, hiện nay chưa khẳng định giao cho Bộ Công an, hay giao Bộ Giao thông vận tải.
Còn theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, quá trình xây dựng Luật hiện nay rất chặt chẽ. Việc đề xuất nghiên cứu xây dựng lại Luật gồm 7 bước, còn để thông qua Luật thì gồm 10 bước, tổng cộng là 17 bước.
Công việc phân công theo chức năng nhiệm vụ, căn cứ theo thực tế hiện tại nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho việc quản lý, tạo thuận lợi cho người dân, không câu nệ cơ quan nào thực hiện.
[Họp báo Chính phủ: Phát triển kinh tế trên nền tảng an toàn dịch]
“Cơ quan nào cũng phải lắng nghe người dân, nhưng Luật xây dựng ra không thể thỏa mãn được từng cá nhân, ngược lại, tất cả công dân đều phải chấp hành luật. Khi dự thảo Luật được công bố, vẫn điều chỉnh được nếu có thay đổi trong thực tế, không nên lo lắng về việc cơ quan nào thực hiện,” Thiếu tướng Tô Ân Xô nói.
Tại họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng khẳng định, không có việc mua bán tràn lan quân trang, cảnh phục, thẻ ngành… của ngành Công an tràn lan trên mạng xã hội. Đây là hiện tượng hết sức cá biệt.
Bộ Công an đã ban hành 5 công điện về đấu tranh xử lý mua bán trái phép quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ ngành Công an. Nghiêm cấm mua bán, trao đổi, cho, tặng quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của ngành Công an dưới mọi hình thức, đối với mọi đối tượng; xử lý nghiêm theo quy định của ngành mọi trường hợp vi phạm và xử lý trách nhiệm liên đới đối với Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ có vi phạm.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Công an và học viên các trường công an đối với việc tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của ngành về sử dụng, bảo quản quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ.
Tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn vay
Liên quan đến việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét về việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết theo quy định về thuế thu nhập cá nhân, đối với các khoản phải nộp thuế theo quy định của pháp luật thì trước mắt tạm thời sẽ thu và hết năm ngân sách sẽ thông báo chính thức về thuế thu nhập cá nhân.
Về ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ nghiêm túc cầu thị lắng nghe ý kiến từ các cơ quan báo chí và sẽ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp tình hình thực tiễn.
Về giảm lãi suất huy động tín dụng để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin, điều hành lãi suất là một công cụ của chính sách tiền tệ.
Trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn điều hành lãi suất đảm bảo phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền, tổ chức tín dụng và người vay. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch này, rất khó khăn về dòng tiền, nguồn thu, vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai quyết liệt các giải pháp.
Đối với điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất cho vay và giảm trần lãi suất huy động, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn đối với doanh nghiệp và người dân.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá trong điều kiện đại dịch xảy ra, các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả nợ nên đã ban hành Thông tư 01, tập trung cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay. Điều đó, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn vay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm mức lãi suất cho vay. Đối với những khoản cho vay cũ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi các tổ chức tín dụng bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, kể cả hạn chế chia cổ tức để có nguồn lực tài chính, giảm lãi suất các khoản vay cũ. Còn đối với các khoản cho vay mới theo các mặt bằng điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, khoản cho vay mới sẽ được theo mức lãi suất thấp hơn.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, so với cuối năm 2019, lãi suất huy động bình quân tháng 7/2020 giảm khoảng 0,6%/năm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Cũng tại họp báo, đại diện các bộ, ngành đã giải đáp nhiều câu hỏi của phóng viên về việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi mở lại 6 đường bay thương mại quốc tế theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải; vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến pate Minh Chay; khởi tố vụ án và 3 bị can trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS và các đơn vị có liên quan.../.