Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 tổ chức chiều 4/9 tại Hà Nội, Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo đánh giá một số tổ chức tài chính thế giới, nếu tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong 4 tháng cuối năm thì GDP cả năm của Việt Nam vẫn có khả năng đạt tăng trưởng dương từ 2-3%.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh kinh tế xã hội nhưng đồng thời cũng rất quan tâm tới phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Dự kiến 15/9 mở chuyến bay thương mại quốc tế để tạo điều kiện cho các chuyên gia sang khảo sát, thu hút đầu tư. Đây cũng là vấn đề cần giải quyết tốt.
"Hiện không thể khẳng định được thời điểm hết dịch nên phải có giải pháp tình thế phù hợp với tình hình mới," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Theo đó, các bộ, ngành tập trung hoàn thành nhiều mục tiêu ở mức cao nhất, đẩy mạnh thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh. Củng cố trạng thái "bình thường mới," nền tảng an toàn dịch là rất quan trọng với phát triển kinh tế xã hội.
[Xuất khẩu, FDI giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế mở nhất thế giới]
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong điều kiện khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam trong 8 tháng vẫn có nhiều điểm sáng. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các nước trong phòng chống dịch COVID-19 và được nhiều nước ghi nhận.
Trong tháng 8, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 8 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019 - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Các bộ, ngành địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; giải ngân tháng 8 tăng 45,4%; 8 tháng năm 2020 tăng 30,4%, cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực. Nông sản xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tăng trưởng nông nghiệp năm 2020 dự kiến từ khoảng 2,6-2,7%, xuất khẩu khoảng 41 tỷ USD, là quyết tâm lớn của ngành nông nghiệp.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD, tăng 0,03%; xuất khẩu đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; xuất khẩu khu vực trong nước đạt gần 61 tỷ USD, tăng 15,3%). Có 27 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD, xuất siêu trên 11,9 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng, nhưng ở mức thấp 2,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 sụt giảm do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương.
Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tính chung 8 tháng có gần 89 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2%).
Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%./.