Các hồng y đã có cuộc gặp cuối cùng trong ngày 11/3 trước khi bị cách ly với bên ngoài trong quá trình bầu chọn ra một giáo hoàng mới lãnh đạo giáo hội Công giáo La Mã qua những sóng gió hiện nay. Mật nghị hồng y sẽ bắt đầu ngày 12/3 sau quyết định từ chức lịch sử của Benedict XVI, thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, với 115 hồng y có quyền bỏ phiếu bầu ra người thay thế. Những chuyên gia về Vatican nói hiện không có ứng viên nào thực sự nổi bật, nhưng ba cái tên đã được đề cập như những người dẫn đầu, bao gồm Odilo Scherer, tổng giám mục đầy cá tính của Sao Paulo, nhân vật Italy có khuynh hướng bảo thủ Angelo Scola, người đứng đầu giáo phận Milan đầy ảnh hưởng, và Marc Ouellet, một người Canada có vị trí cấp cao ở tòa thánh. “Chúng tôi đều đang đợi mật nghị sắp tới, không chỉ những người có đức tin vào giáo hội mà cả thế giới nữa,” Ouellet nói trong một bài thuyết pháp ở Rome. Vào lúc 15g45 (giờ GMT) ngày thứ Ba, tất cả các hồng y sẽ đọc lời thề giữ bí mật và tiến hành vòng bỏ phiếu đầu tiên để tìm ra nhà lãnh đạo cho 1,2 tỷ người Công giáo. Thách thức với họ là tìm ra vị giáo hoàng thứ 266 đủ sức lãnh đạo giáo hội vượt qua những thách thức quá sức với một Benedict 85 tuổi không còn đủ sức khỏe. Việc ông từ chức, lần đầu tiên trong 700 năm qua, đồng nghĩa với việc giáo hội cần tìm một nhà lãnh đạo có đủ năng lượng để vượt qua nhiều thức thách trước mắt, bao gồm sự thế tục hóa ngày càng phổ biến ở phương Tây và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang lan rộng.
Hồng y Marc Ouellet thuyết pháp ngày Chủ nhật 10/3 (Nguồn: AFP)
Các hồng y cũng cần tìm ra một người đủ năng động để giải quyết các bê bối như việc linh mục xâm hại tình dục trẻ em, cải cách Curia, tức chính quyền trung ương của tòa thánh. Ouellet thu hút nhiều sự chú ý vì là người đứng đầu Giáo đoàn các linh mục đầy ảnh hưởng. Scola, 71 tuổi, có quan điểm cứng rắn và có lợi thế là không dính líu tới những quan liêu của Vatican. “Tôi cho rằng ông ấy là một lựa chọn tốt, ông ấy sẽ là một nhà lãnh đạo giúp giáo hội mạnh mẽ hơn. Tôi cầu nguyện cho ông ấy,” giáo dân Maria Bettini, 69 tuổi, nói trong thánh lễ do Scola chủ trì ở Milan ngày Chủ nhật. Những người Công giáo châu Phi, đang tăng về số lượng trái ngược với việc đi nhà thờ giảm sút ở châu Âu, vốn là thành trì của Thiên Chúa giáo lâu nay, đang cầu nguyện cho giáo hoàng da đen đầu tiên. “Đó là cảm hứng của cả một sắc dân và cả một châu lục, một tín hiệu mạnh mẽ”, Justin Golo, một linh mục người Congo nói trong một thánh lễ ở Rome ngày Chủ nhật. Hy vọng của châu Phi đặt ở Laurent Monsengwo, tổng giám mục Kinshasa, và Peter Turkson, người Ghana. Tuy nhiên, khả năng có một giáo hoàng từ nam bán cầu là không cao, khi 60 hồng y có quyền bỏ phiếu là từ châu Âu và 14 từ châu Mỹ. Tân giáo hoàng cần nhận được đa số hai phần ba, tương đương 77 phiếu./.
Trần Trọng (Vietnam+)