Ttrong danh sách năm 2013, Singapore đã rơi xuống vị trí thứ 8 sau hai năm liên tiếp giữ vị thứ ba trong bảng xếp hạng, còn Hong Kong tăng một bậc, lên vị trí thứ 7.
Theo ông Bruno Lanvin - đồng tác giả của bảng xếp hạng, việc Singapore tụt hạng là do sự thay đổi trong phương pháp tính toán nhằm nhấn mạnh hơn đến các sản phẩm đổi mới, như tính sáng tạo trên mạng Internet, bản quyền thương hiệu theo hệ Madrid, bằng sáng chế, nghiên cứu và phát triển cũng như các vấn đề liên quan đến thương mại.
Chỉ số đổi mới toàn cầu do Học viện Quản trị Kinh doanh châu Âu (INSEAD), Tổ chức tài sản trí tuệ thế giới và Đại học Cornell thực hiện dựa trên 84 tiêu chí để đánh giá quá trình đổi mới tại 142 quốc gia, trong đó có cả chất lượng các trường đại học.
Theo danh sách năm nay, top 25 quốc gia hàng đầu vẫn giữ nguyên dù vị trí thứ bậc thì có thay đổi. Trong khi Thụy Sĩ và Thụy Điển giữ vững hai vị trí đầu tiên thì Vương quốc Anh đã thay thế Singapore ở vị trí thứ ba. Mỹ là quốc gia có sự cải thiện mạnh mẽ nhất trong Top 10, khi tăng năm bậc lên vị trí thứ 5.
Báo cáo chỉ số đổi mới toàn cầu cho rằng bất chấp kinh tế thế giới trì trệ trong năm qua, ngân sách chi cho nghiên cứu và phát triển vẫn vượt mức năm 2008 ở hầu hết các nước và các trung tâm đổi mới hàng đầu thế giới vẫn giữ nguyên “phong độ”./.