Giới luật sư Hong Kong (Trung Quốc) đã bị cuốn vào một cuộc tranh cãi pháp lý về việc họ có được phép đeo tóc giả theo như truyền thống hay không. Trong khi chỉ có các luật sư biện hộ (barrister) và thẩm phán được phép đeo tóc giả kiểu châu Âu thế kỷ 17, Đoàn hiệp hội luật thành phố nói rằng các luật sư làm công tác cố vấn pháp luật (solicitor) tại tòa cũng nên được đeo tóc giả trong một số phiên xử. Theo sau một sự thay đổi luật mới sẽ sớm cho phép các luật sư cố vấn được phép đại diện thân chủ tại Tòa thượng thẩm và Tòa phúc thẩm, Đoàn hiệp hội luật lo ngại một số vị thẩm phán có thể thấy việc các luật sư mặc trang phục khác nhau, thể hiện qua sự phân biệt đặc quyền mang tóc giả như hiện nay, sẽ dẫn tới việc hình thành định kiến sai lầm. Stephen Hung Wan-shun, chủ tịch ủy ban luật và thủ tục hình sự nói rằng việc cho phép luật sư tư vấn mặc cùng trang phục như luật sư biện hộ sẽ xóa bỏ khả năng một thẩm phán bị tác động không hay. “Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là các phiên tòa hình sự nằm dưới sự điều hành của một thẩm phán. Chúng tôi muốn tránh mọi khả năng xảy ra định kiến hoặc sự thiếu công bằng" - ông nói với tờ South China Morning Post. Hiệp hội Luật sư, nơi đại diện khoảng 1.100 luật sư bào chữa, đã có phản ứng tức giận với chuyện này. Họ bác bỏ khả năng xảy ra định kiến chỉ vì vấn đề tóc giả và chỉ trích quan điểm của Đoàn hiệp hội luật thành phố. "Nếu họ muốn đeo tóc giả, tại sao họ không gọi tới tòa án?" - Kumar Ramanathan nói với tờ Post. Việc các luật sư Hong Kong đeo tóc giả đã bắt nguồn từ hệ thống pháp lý của Anh, trong đó các luật sư bắt đầu đeo tóc giả tại tòa từ cuối thế kỷ 17 để hợp mốt khi đó.
Tòa án tối cao Hong Kong (Nguồn: AFP)
Trong khi việc đeo tóc giả về sau đã trở nên lỗi mốt, truyền thống này vẫn duy trì trong hệ thống tòa án. Trong nhiều năm, các chuyên gia luật ở Anh đã tranh luận về việc có nên loại bỏ thủ tục đeo tóc giả để chuyển sang một phong cách ăn mặc hiện đại hơn tại tòa án hay không./.
Linh Vũ (Vietnam+)