Hong Kong: Nhà đầu tư quốc tế "dè chừng" với doanh nghiệp Trung Quốc

Những khó khăn trong quá trình thu hồi tài sản trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đang khiến nhà đầu tư quốc tế "dè chừng" khi đầu tư vào công ty Trung Quốc niêm yết ở Hong Kong.
Hong Kong: Nhà đầu tư quốc tế "dè chừng" với doanh nghiệp Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: China Daily)

Theo The Economist, kể từ những năm 1990, nhiều công ty Trung Quốc tận dụng lợi thế của khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) để huy động vốn từ các nhà đầu tư toàn cầu.

Tuy nhiên, những khó khăn trong quá trình thu hồi tài sản trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đang khiến nhà đầu tư quốc tế "dè chừng" khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc.

Các nhà đầu tư trên thế giới từ lâu nay đã chấp nhận "mạo hiểm" khi rót tiền vào các tài sản của Trung Quốc. Ví dụ, cấu trúc sở hữu đặc biệt (Variable Interest Entity - VIE) là phương thức huy động vốn nước ngoài dành cho những doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị hạn chế đầu tư tại Trung Quốc.

VIE là một cấu trúc sở hữu đặc biệt, trong đó nhà đầu tư nắm giữ lợi ích kiểm soát mà không dựa trên đa số quyền biểu quyết.

Bằng cách sử dụng cấu trúc VIE, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ các cổ đông nước ngoài thông qua phát hành cổ phiếu hoặc chứng chỉ lưu ký tại các sở giao dịch chứng khoán.

[Trung Quốc phản đối và kêu gọi Mỹ rút danh sách đen cấm đầu tư]

Ngoài ra, các nhà đầu tư được nhận chứng thư đảm bảo, theo đó các công ty mẹ ở Trung Quốc phải hỗ trợ hoàn vốn cho các nhà đầu tư nếu công ty con ở nước ngoài của họ vỡ nợ.

Tuy nhiên, chưa có nhà đầu tư nào sử dụng thành công loại chứng thư đảm bảo này để lấy lại tiền của mình. Một số ủy ban đại diện cho các nhà đầu tư đã được thành lập để tái cơ cấu các khoản nợ này, nhưng hiếm khi các tòa án Trung Quốc phân xử tài sản thế chấp liên quan đến các vụ vỡ nợ xảy ra ở bên ngoài Trung Quốc Đại lục.

Việc Công ty quản lý tài sản Huarong - một công ty tài chính quốc doanh và cũng là công ty quản lý tài sản lớn nhất Trung Quốc - nợ nước ngoài tới 22 tỷ USD một lần nữa khiến người ta chú ý đến sự thiếu liên kết giữa các tòa án ở Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc).

Huarong là nhà phát hành các công cụ nợ bằng USD lớn nhất của Trung Quốc và cũng nắm giữ số lượng chứng thư đảm bảo lớn nhất.

Tập đoàn có trụ sở tại Bắc Kinh này đã không công bố báo cáo tài chính năm 2020, dẫn đến suy đoán rằng công ty sẽ bị tái cơ cấu. Với quy mô các khoản nợ và số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Huarong, nếu công ty này vỡ nợ, sự việc có thể khiến các nhà quản lý tài sản và quỹ đầu cơ nước ngoài "dè chừng" khi có kế hoạch đầu tư vào các công ty nhà nước trong tương lai.

Vào tháng 1/2021, nhà chức trách Trung Quốc đã bác bỏ các yêu cầu đòi quyền lợi của các chủ nợ nước ngoài sở hữu trái phiếu của Peking University Founder Group (PKU Founder) sau khi công ty công nghệ do Đại học Bắc Kinh sáng lập này bị vỡ nợ trái phiếu vào năm ngoái. Nguyên nhân là do các chứng thư đảm bảo mà họ nắm giữ không dựa trên luật pháp Trung Quốc.

Các chủ nợ nước ngoài của Huarong lo ngại rằng kế hoạch tái cơ cấu công ty này, nếu có, sẽ ưu tiên các trái chủ trong nước hơn.

Alaa Bushehri, Trưởng phòng quản lý nợ tại các thị trường mới nổi thuộc công ty quản lý tài chính BNP Paribas Group, nhận định, nếu Huarong phá sản thì có thể làm tổn hại đến uy tín của Hong Kong như một điểm đến thu hút đầu tư.

Ngân hàng Natixis của Pháp cũng lưu ý, các nhà đầu tư nước ngoài có thể không thấy an toàn khi đầu tư ở Hong Kong. Điều đó có thể làm ảnh hưởng đến vai trò là trung tâm huy động vốn nước ngoài của các công ty Trung Quốc.

Gần đây, đã có một số thử nghiệm để tòa án Trung Quốc Đại lục và Hong Kong có thể công nhận các thủ tục pháp lý của nhau liên quan đến doanh nghiệp vỡ nợ.

Từ ngày 14/5, các tòa án ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Hạ Môn sẽ tiếp nhận các phán quyết về tái cơ cấu nợ hoặc thanh lý tài sản mà các tòa án ở Hong Kong đưa ra. Mặc dù vậy, phạm vi thử nghiệm còn khá là hạn chế.

Bên khiếu nại phải chứng minh rằng lợi nhuận chính của công ty là ở Hong Kong. Điều này khá phức tạp vì hầu hết các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong được thành lập tại nhưng nơi khác, ví dụ như Quần đảo Cayman.

Tuy nhiên, theo thời gian, khi tòa án ở hai bên quen thuộc hơn với thủ tục pháp lý của nhau, các rào cản pháp lý giữa Trung Quốc Đại lục và Hong Kong có thể được xóa nhòa.

Không chỉ các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến những nỗ lực xóa bỏ rào cản pháp lý trên, trong những năm gần đây, các tập đoàn lớn của Trung Quốc đã rót vốn đầu tư vào nhiều tài sản ở nước ngoài.

Ví dụ, Tập đoàn hàng không tư nhân lớn nhất Trung Quốc HNA đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Các chủ nợ nhà nước mong muốn bù đắp các khoản lỗ bằng cách thu hồi các tài sản của HNA ở nước ngoài, nhưng điều đó cần được các tòa án ở nước ngoài xác nhận.

Trung Quốc không áp dụng công ước của Liên hợp quốc về tình trạng mất khả năng thanh toán và trọng tài quốc tế, vốn được sử dụng rộng rãi trong để tái cơ cấu quốc tế.

Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều các phán quyết của tòa án Trung Quốc được công nhận ở nước ngoài. Năm 2019, một tòa án ở Mỹ đã công nhận phán quyết một vụ phá sản theo của luật Trung Quốc và bác bỏ các yêu cầu khác đòi quyền sở hữu các tài sản của công ty Trung Quốc này tại Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục