Hong Kong đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tiêm chủng với “Phần thưởng vaccine”

“Phần thưởng vaccine” được chính quyền Đặc khu triển khai từ ngày 1/6-31/8, theo đó viên chức nhà nước sẽ được nghỉ phép 1 ngày mà vẫn hưởng lương sau mỗi mũi tiêm.
Trong ảnh: Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi chờ xe buýt tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong 3 tháng tới để có thể xây dựng “hàng rào miễn dịch” tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) trước tháng Chín - đó là mục tiêu đầy tham vọng của chương trình "Phần thưởng vaccine” vừa được chính quyền đặc khu khởi động.

"Phần thưởng vaccine” chỉ là một trong hàng loạt biện pháp đã và đang được chính quyền Hong Kong thúc đẩy mạnh mẽ nhằm khuyến khích người dân đi tiêm chủng, khi mà chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại đây vẫn diễn ra "ì ạch," bất chấp thực tế rằng Hong Kong nằm trong số ít khu vực trên thế giới đang dư thừa vaccine để tiêm cho toàn bộ 7,5 triệu dân.

Hiện chưa tới 20% dân số của thành phố này đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 và chỉ hơn 14% dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu được triển khai vào ngày 26/2.

Tâm lý hoài nghi, lo ngại về tác dụng phụ của vaccine cùng với làn sóng dịch thứ tư cơ bản được kiểm soát khiến người dân đắn đo, chưa nhiệt tình tới các điểm tiêm chủng.

Ngay cả các nhân viên y tế cũng tỏ ra do dự, khi chỉ có hơn 33% số người làm việc trên tuyến đầu chống dịch đã tiêm phòng.

“Phần thưởng vaccine” triển khai từ ngày 1/6-31/8, theo đó viên chức nhà nước sẽ được nghỉ phép 1 ngày mà vẫn hưởng lương sau mỗi mũi tiêm. Những người đã tiêm phòng trước và trong ngày 31/5 sẽ được nghỉ bổ sung trước cuối tháng 3/2022.

Chính quyền Hong Kong cũng khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho người lao động đi tiêm vaccine và cho họ được nghỉ phép có lương sau mỗi mũi tiêm.

Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) còn gửi thư cho hơn 100 công ty bất động sản, hiệp hội bán lẻ, hiệp hội người sử dụng lao động..., kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung tay hỗ trợ chính quyền thúc đẩy người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-9 để cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng, “tung chiêu” hấp dẫn để khuyến khích người dân đi tiêm phòng.

[Hong Kong vượt mốc 1.000 trường hợp nhiễm virus SARS CoV-2]

Quỹ từ thiện Ng Teng Fong của tập đoàn Sino Group và công ty bất động sản Chinese Estates Holdings thông báo người dân đã tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19 sẽ được đăng ký tham gia bốc thăm trúng thưởng cho đến ngày 1/9 tới, giải thưởng cao nhất là căn hộ một phòng ngủ, trị giá 10,8 triệu HKD (khoảng 1,4 triệu USD).

Việc treo thưởng căn hộ được cho là sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người Hong Kong, do giá bất động sản ở đây rất đắt đỏ.

Cơ quan quản lý sân bay quốc tế thông báo sẽ tặng 60.000 vé máy bay cho những ai tiêm phòng trước tháng Chín.

Tập đoàn bất động sản Henderson Land Development (HLD) cho nhân viên nghỉ 2 ngày có lương sau mỗi mũi tiêm.

Một số chủ trung tâm mua sắm và khách sạn đang cung cấp các đợt lưu trú giảm giá, phiếu mua hàng và các chiết khấu khác cho những cư dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Các trường đại học cũng lên kế hoạch khuyến khích tiêm chủng.

Bên cạnh hình thức giải trí, một số doanh nghiệp tỏ ra cứng rắn hơn khi cảnh báo sẽ sa thải người lao động nếu họ không tiêm vaccine.

Hãng hàng không Cathay Pacific yêu cầu nhân viên nhanh chóng đi tiêm vaccine nếu muốn tiếp tục công việc do lượng khách của hãng này trong tháng 4/2021 giảm tới 99% so với cùng kỳ năm 2019.

Việc các doanh nghiệp ở Hong Kong hưởng ứng lời kêu gọi, tích cực hỗ trợ chính quyền trong việc khuyến khích người dân đi tiêm chúng được đáng giá là một bước chuyển đáng ghi nhận.

Rõ ràng, nếu làn sóng dịch bệnh thứ năm bùng phát, các doanh nghiệp là đối tượng chịu tổn thất nhất khi xã hội phải thực hiện giãn cách, bản thẩn doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, thì hậu quả sẽ là vô cùng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của họ.

Trên thực tế, sau khi các làn sóng dịch nối tiếp nhau bùng phát, tỷ lệ thất nghiệp tại Hong Kong từ tháng 12/2020-2/2021 đã tăng lên 7,2%, tăng 0,2% so với trước đó, mức cao nhất kể từ sau năm 2004.

Số người thất nghiệp tăng 8.300 người, nâng tổng số lên 261.600 người. Tỷ lệ thất nghiệp ở hầu hết các ngành đều tăng, trong đó thương mại xuất nhập khẩu, bưu chính chuyển phát nhanh, giáo dục và các hoạt động nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng đáng kể.

Năm 2020, kinh tế Hong Kong giảm 6,1%, mức giảm tính theo năm lớn nhất kể từ khi có số liệu thống kê, đồng thời cũng lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm hai năm liên tiếp.

Bởi vậy, sự tham gia kịp thời, hiệu quả của các doanh nghiệp để khuyến khích tiêm chủng chính là vì sức khỏe của người lao động, vì sự an toàn và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Các biện pháp khuyến khích người dân đi tiêm chủng tại Hong Kong đã đem lại hiệu quả bước đầu. Số người đăng ký tiêm vaccine đã tăng vọt sau khi các doanh nghiệp đưa ra những biện pháp ưu đãi, đỉnh điểm có ngày trên 47.000 người đăng ký tiêm. Điều này được cho là do sự hấp dẫn của “phần thưởng vaccine.”

Bên cạnh đó, để người dân sẵn sàng đăng ký và đi tiêm, giới chuyên gia cho rằng chính quyền Hong Kong cần tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, chứng minh một cách khoa học rằng vaccine phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả, để người dân nhận thức nên tiêm chủng vì sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.

Bởi như khẳng định của Tổng thư ký Chính quyền Hong Kong Trương Kiến Tông (Matthew Cheung), dựa theo kinh nghiệm của các quốc gia và khu vực khác cũng như tình hình ở các khu vực lân cận Hong Kong, dịch bệnh hiện vẫn nghiêm trọng, xuất hiện các biến thể mới, nên tỷ lệ tiêm chủng chưa đến 20% như hiện nay ở Hong Kong là đáng lo ngại.

Giáo sư Viên Quốc Dũng (Yuen Kwok-yung) thuộc Đại học Hong Kong, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, cảnh báo dù tình hình dịch bệnh đã có phần lắng dịu nhưng người dân vẫn cần chuẩn bị tinh thần ứng phó với làn sóng thứ năm.

Ông cũng đưa ra những tình huống, nếu tỷ lệ người tiêm vaccine tăng lên: học sinh đã tiêm vaccine sẽ được đi học trực tiếp trở lại; các nhà hàng có nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ được tiếp tục kinh doanh; các tòa nhà khi nghi ngờ có sự lây chéo, cư dân có quyền lựa chọn ở lại hay đến chỗ cách ly tập trung nếu họ đã được tiêm đầy đủ; thời gian cách ly có thể được giảm bớt đối với những người nhập cảnh đã hoàn thành việc tiêm phòng.

Nếu 80% người dân được tiêm chủng thì có thể không cần đeo khẩu trang mà vẫn có thể yên tâm tổ chức và tham gia các buổi tụ tập công cộng.

Theo chuyên gia này, hầu hết các trường hợp tử vong hiện nay là do mắc bệnh nền, không liên quan gì đến vaccine. Ông cũng chỉ ra trong tương lai, tiêm chủng có thể trở thành điều kiện cần thiết để mở cửa trở lại với các nền kinh tế khác.

Cho đến nay, chương trình “bong bóng du lịch” giữa Hong Kong và Singapore dự kiến khởi động từ tháng 11/2020, đã bị hoãn 2 lần do dịch bệnh tái bùng phát tại xứ “Cảng thơm,” và mới nhất lại “lỗi hẹn” ngày 26/5 sau khi số ca mắc COVID-19 ở Singapore tăng trở lại.

Chương trình “Dễ dàng trở lại Hong Kong,” ban đầu triển khai dành cho người Hong Kong sinh sống tại tỉnh Quảng Đông, sau đó được mở rộng ra toàn Đại lục, cũng phải hoãn vô thời hạn khi các biến thể của virus SAR-CoV-2 từ Ấn Độ đã lan tới tỉnh miền Nam Trung Quốc này.

Giám đốc Trung tâm Truyền nhiễm và bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Hong Kong Hà Bách Lương (Ho Pak-leung) nêu rõ vaccine phòng COVID-19 đóng vai trò tích cực trong việc cứu vãn nền kinh tế.

Các làn sóng COVID-19 nối tiếp nhau khiến nền kinh tế Hong Kong không thể kết nối được với Đại lục cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Cơ quan Tiền tệ Hong Kong, ông Eddie Yue, lo ngại tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể khiến các công ty quốc tế đặt câu hỏi về việc có nên đặt văn phòng giao dịch tại thành phố này hay không.

Nếu tỷ lệ tiêm vaccine của người dân không tăng, Hong Kong có thể bị “rớt lại” phía sau các trung tâm tài chính khác. Nói cách khác, tâm lý e ngại vaccine có thể ảnh hưởng lớn đến tương lai Hong Kong.

Trước những quan ngại đó, Chính quyền Hong Kong cũng có kế hoạch điều chỉnh hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội thông qua "bong bóng vaccine."

Nếu dịch tái bùng phát, chính quyền sẽ nghiên cứu hạn chế những người chưa được tiêm chủng đến các địa điểm “có nguy cơ cao” như nhà hàng, trường học, ký túc xá, rạp chiếu phim, công trình xây dựng, thư viện, bảo tàng, nhà hát, phòng tập và địa điểm thể thao.

Học sinh đã tiêm vaccine sẽ được phép tiếp tục tham gia các lớp trực tiếp trong khi những người chưa tiêm có thể phải học trực tuyến.

Trưởng Khu hành chính đặc biệt Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhấn mạnh cách hiệu quả duy nhất để đưa Hong Kong thoát khỏi dịch bệnh là tiêm chủng cho người dân trên diện rộng và xây dựng "hàng rào bảo vệ" cho toàn xã hội.

Trên thực tế, ở nhiều quốc gia hoặc thành phố có tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc và tử vong do COVID-19 đã giảm đáng kể, các hạn chế về giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng.

Với một loạt biện pháp nhằm khuyến khích người dân đi tiêm vaccine, 3 tháng tới là khoảng thời gian then chốt đối với công tác phòng chống dịch của Hong Kong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục