Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng ngành công thương cần tiếp tục triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn Cuộc vận động nhằm kết nối hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho hàng Việt tiếp cận hơn nữa với người tiêu dùng.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/7, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhận định, so với cách đây 6 năm, cuộc vận động ngày càng được triển khai sâu rộng và có hiệu ứng ngày càng cao.
Trong cuộc khảo sát năm 2014, có tới 92% người tiêu dùng được hỏi cho biết rất quan tâm tới cuộc vận động này; 63% người tiêu dùng ưu tiên cho hàng Việt Nam sản xuất (gấp đôi so với thời kỳ đầu) và 54% cho biết ngoài ủng hộ còn vận động mọi người khác cùng mua hàng Việt Nam.
Hiện, các doanh nghiệp đã chú trọng đến việc thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tuy nhiên Thứ trưởng cho rằng vẫn cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa.
Bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước-Bộ Công Thương, đánh giá hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối, không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra tại các cơ sở này chiếm khoảng 90%). Tại vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.
Thời gian qua, Bộ Công Thương tiếp tục giúp doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trên cả nước.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ đã thực hiện 50 đề án xúc tiến thương mại, trong đó phần lớn là các đề án phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Mỗi phiên chợ có từ 15-25 doanh nghiệp tham gia với 20-40 gian hàng, doanh số đạt trên 500 triệu đồng.
Năm 2015, Bộ Công Thương chú trọng đầu tư cho các đơn vị sản xuất trực thuộc xây dựng, cải tạo nhà xưởng, mua thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ thiết kế, chế tạo thử nghiệm sản phẩm mới có công nghệ cao và giá cả cạnh tranh.
Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đổi mới quy trình sản xuất nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng nhưng giá thành hạ, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa và dịch vụ.
Thời gian tới, Bộ Công Thương dự kiến tổ chức các hội nghị chắp nối cung cầu tại 2 khu vực Bắc, Nam nhằm duy trì kết nối doanh nghiệp các vùng miền, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa hàng công nghiệp địa phương.
Bộ cũng kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đẩy mạnh Cuộc vận động theo hướng xã hội hóa để thu hút thêm các nguồn lực; đồng thời đề xuất Chính phủ tăng đầu tư và nguồn lực để triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”./.