Hơn 96.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An

Nghệ An sẽ xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là khu công nghiệp trọng điểm, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp cơ bản gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả các cảng biển.

Tỉnh Nghệ An hướng tới việc phát triển Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành khu vực động lực, đột phá phát triển trên địa bàn tỉnh. (Nguồn: Vneconomy)
Tỉnh Nghệ An hướng tới việc phát triển Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành khu vực động lực, đột phá phát triển trên địa bàn tỉnh. (Nguồn: Vneconomy)

Nhằm xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành khu vực động lực tăng trưởng, đột phá phát triển theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040.

Theo đó, Nghệ An sẽ xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là khu công nghiệp trọng điểm, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp cơ bản gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả Cảng biển Cửa Lò, Cảng biển Đông Hồi.

Đây cũng là trung tâm kinh tế giao thương quốc tế của vùng Bắc Trung Bộ, cửa ngõ quan trọng của vùng Trung, Thượng Lào, Đông Bắc Thái Lan vào miền Trung và Việt Nam; là cực tăng trưởng đối trọng, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và vùng phụ cận; là khu vực phát triển hài hòa các mục tiêu kinh tế, văn hóa, môi trường và an ninh quốc phòng.

Dự kiến nhu cầu nguồn vốn cho lập quy hoạch xây dựng giai đoạn 2023-2028 khoảng 60,326 tỷ đồng. Nhu cầu vốn xây dựng các dự án đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung trong khu kinh tế khoảng 96.426,638 tỷ đồng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Nghệ An tiếp tục đề xuất, khai thác tối đa, hiệu quả vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho Khu kinh tế Đông Nam hàng năm để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trong Khu kinh tế Đông Nam mở rộng.

Tỉnh cũng chủ động làm việc với các Bộ, ngành Trung ương liên quan để bổ sung nguồn lực thực hiện những định hướng lớn như Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An, các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Tỉnh cũng tạo nhiều nguồn thu bền vững để cân đối ngân sách địa phương tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trong Khu kinh tế Đông Nam; thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) để xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nghệ An cũng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án có khả thi và hiệu quả.

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước tập trung vốn cho đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, trước tiên là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Trong quá trình thực hiện quy hoạch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển, lựa chọn đầu tư phải có trọng tâm, không dàn trải, tập trung cho các dự án trọng điểm, hạ tầng khung, tạo động lực phát triển cho Khu kinh tế Đông Nam và tỉnh Nghệ An. Dự kiến nhu cầu nguồn vốn cho từng giai đoạn đảm bảo triển khai thực hiện kế hoạch.

Các cơ quan chức năng đề xuất các cơ chế chính sách, xác định nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch, đồng thời xác định rõ nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể, đúng chức năng, lĩnh vực được giao quản lý, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả, đúng tiến độ giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là 1 trong 18 khu kinh tế ven biển được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ. Trong khu kinh tế hiện có 5 khu công nghiệp là VSIP I, II; WHA và Hoàng Mai I, II đã và đang được đầu tư hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại, theo mô hình tăng trưởng xanh với quy mô sử dụng đất lên đến 2.000ha.

Hiện Khu kinh tế Đông Nam có 138 doanh nghiệp đi vào hoạt động, sử dụng 30.128 lao động, thu nhập bình quân khoảng gần 8 triệu đồng/người/tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục