Hơn 9.500ha lúa Đông Xuân tại Cần Thơ bị sâu bệnh

Cần Thơ hiện có 9.578ha lúa Đông Xuân đang bị sâu bệnh phá hại, trong đó gần 2.500ha bị nhiễm rầy nâu, trên 900ha bị nhiễm bệnh đạo ôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết, trên địa bàn tỉnh có 9.578ha trong tổng số 84.792ha lúa Đông Xuân đã được gieo sạ đang bị sâu bệnh phá hại.

Trong số này có gần 2.500ha bị nhiễm rầy nâu, trên 900ha bị nhiễm bệnh đạo ôn; diện tích còn lại bị gây hại bởi sâu cuốn lá, bù lạch, ốc bươu vàng, muỗi hành, chuột, bọ xít.

Diện tích lúa bị sâu bệnh gây hại tập trung nhiều nhất tại quận Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng, huyện Cờ Đỏ.

Theo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh, thời tiết hiện trong tình trạng sáng sớm se lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển và gây hại trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng.

Dự báo trong những ngày tới, rầy nâu sẽ tiếp tục phát triển và gây hại trên lúa Đông Xuân giai đoạn đẻ nhánh đến đòng, với mật độ thấp đến trung bình tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt, Cái Răng.

Ngoài ra, ốc bươu vàng, bù lạch, chuột, sâu cuốn lá tiếp tục tấn công những chân ruộng ngập nước, giai đoạn lúa từ 15-30 ngày sau sạ.

Nhằm hạn chế sâu bệnh lây lan, Chi cục Bảo vệ Thực vật Cần Thơ đề nghị các phòng nông nghiệp quận, huyện tăng cường vận động nông dân địa phương mở rộng áp dụng kỹ thuật "3 giảm 3 tăng," "1 phải 5 giảm," tưới nước tiết kiệm, ứng dụng công nghệ sinh thái trong canh tác lúa, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh đúng cách, nhất là biện pháp 4 đúng.

Chi cục cũng đề nghị các địa phương cần hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp tổng hợp để diệt trừ ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ; xử lý vôi, bơm và tháo nước rửa đất cho những diện tích có nguy cơ ngộ độc hữu cơ cao; bón phân đợt 1 sớm, tập trung bón thêm phân DAP, phân lân, kali giúp cây lúa phát triển bộ rễ và đẻ nhánh nhanh, tạo điều kiện cho cây lúa phục hồi và phát triển.

Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến cáo nông dân kiểm tra kỹ ruộng lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng, nếu mật độ rầy thấp nên sử dụng chế phẩm sinh học nấm MA (Ometar), không nên phun các loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm lân hữu cơ hoặc nhóm lân hữu cơ kết hợp vì dễ gây bộc phát rầy nâu ở giai đoạn sau của cây lúa, dẫn đến rất khó phòng trị./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục