Theo phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Séc, hơn 92% các ca tử vong của sản phụ và trẻ sơ sinh trên thế giới xảy ra tại 73 quốc gia nghèo nhất thế giới. Tỷ lệ bác sỹ, y tá và nữ hộ sinh tại các nước này chỉ chiếm hai phần năm so với phần thế giới còn lại. Trong khi đó các nữ hộ sinh có thể ngăn chặn có hiệu quả các ca tử vong ở trẻ sơ sinh.
Điều này trích từ báo cáo y tế toàn cầu năm 2014 được đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Liên đoàn Hộ sinh quốc tế (ICM) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 3/6 tại Prague.
Báo cáo y tế toàn cầu năm 2014 cho thấy, 96% ca tử vong ở sản phụ và 93% ca tử vong ở trẻ sơ sinh xảy ra tại 73 quốc gia thuộc châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. và có tới 91% trường hợp thai chết lưu xảy ra ở các nước này.
Từ năm 1990 đến nay số ca tử vong ở sản phụ tại 73 nước nói trên chỉ giảm 3% và số ca tử vong ở trẻ sơ sinh giảm 1,9%.
Hãng tin CTK dẫn nguồn từ ICM cho biết, đào tạo các nữ hộ sinh được coi là sự đầu tư rất hiệu quả nhằm làm giảm số ca tử vong ở sản phụ và trẻ sơ sinh.
Tại Bangladesh 500 nữ hộ sinh được đào tạo tốt trong 3 thập kỷ đã làm giảm 80% số ca tử vong ở sản phụ và 3/4 số ca tử vong ở trẻ sơ sinh. Như vậy là việc đào tạo nữ hộ sinh ở nước này đã cứu được hơn 36.000 sinh mạng.
UNFPA, ICM và WHO khuyến cáo các nước nên đầu tư vào việc cung cấp thiết bị, vật tư y tế, nâng cao trình độ của các nữ hộ sinh và giáo dục.
Trước đó, vào Ngày Nữ hộ sinh quốc tế (5/5) năm nay WHO cũng đã công bố báo cáo, theo đó tỷ lệ tử vong ở sản phụ trên toàn thế giới giảm 45% kể từ năm 1990 đến năm 2013.
Cụ thể, năm 1990 có hơn nửa triệu phụ nữ thiệt mạng trong quá trình mang thai và sinh con, tới năm 2013 con số này là 289.000 trường hợp.
WHO cho rằng tuy đã giảm mạnh nhưng tỷ lệ tử vong ở các sản phụ vẫn còn quá cao với 33 ca trong mỗi giờ trên toàn thế giới. Khoảng cách về tỷ lệ tử vong sản phụ giữa các nước nghèo và các nước giàu rất cao - ở vùng cận Sahara của châu Phi tỷ lệ này là 1/40, ở châu Âu - 1/3.300./.
(Vietnam+)