Hơn 871.000 thí sinh thi môn đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia

Sáng nay, 1/7, hơn 871.000 thí sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2016. Bài thi đầu tiên là môn Toán, theo hình thức thi tự luận, thời gian 180 phút làm bài.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tại điểm thi Đại học Nông lâm, Bắc Giang. (Ảnh: Đồng Thuý/TTXVN)

Sáng nay, 1/7, hơn 871.000 thí sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016. Các em sẽ làm bài thi môn đầu tiên, môn Toán, theo hình thức thi tự luận, thời gian làm bài là 180 phút.

Đây là năm thứ 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Kết quả thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Kỳ thi được tổ chức với 8 môn, trong đó có ba môn bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ, 5 môn tự chọn gồm Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.

Nhưng khác với năm ngoái, số lượng cụm thi năm nay lớn hơn với 120 cụm. Trong đó có 70 cụm do các trường đại học chủ trì, dành cho thí sinh dự thi vừa xét công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. 50 cụm thi còn lại do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì, dành cho thí sinh dự thi chi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp.

Nếu năm ngoái, các cụm thi do trường đại học chủ trì được bố trí thí sinh liên tỉnh thì năm nay, thí sinh tỉnh nào thi tại tỉnh đó. Tất cả các tỉnh đều có loại hình cụm thi này. Vì thế, thí sinh và người nhà sẽ không phải vất vả đi từ tỉnh mình sang tỉnh bạn để dự thi. Công tác tổ chức của các cụm thi cũng gọn nhẹ hơn do quy mô giảm.

Đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không còn cảnh thí sinh đổ dồn về dự thi, gây tắc nghẽn ở các bến xe cũng như khó khăn trong giao thông.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến dư luận nảy sinh tâm lý e ngại khi có nhiều cụm thi tại các tỉnh sẽ có thể có sự không công bằng, nơi lỏng, nơi chặt. 

Để góp phần đảm bảo chất lượng kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các cụm thi phải đảm bảo 50% số cán bộ coi thi là giảng viên các trường đại học.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải huy động một số lượng lớn các cán bộ, giảng viên từ các trường đại học về các tỉnh, thành để làm công tác coi thi.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, lưu ý đến điều này nên trước khi chọn trường đại học làm chủ trì cụm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến quy mô giảng viên của trường để đảm bảo đủ số lượng cán bộ coi thi cần thiết.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, đã có 134 đoàn thanh tra được thành lập, bao gồm 120 đoàn của các cụm thi và 14 đoàn thanh tra của Bộ. Các đoàn này thanh tra theo nhiều hình thức như thanh tra tại chỗ, thanh tra lưu động trong vùng và thanh tra đột xuất.

Tuy nhiên, khâu mấu chốt quan trọng quyết định chất lượng kỳ thi vẫn là sự nghiêm túc trong nghiệp vụ của cán bộ coi thi. Theo ông Ga, Bộ đã chú trọng rất kỹ về khâu này. Trong quá trình kiểm tra công tác chuẩn bị của các cụm thi, Bộ cũng luôn yêu cầu lãnh đạo các cụm thi phải tập huấn kỹ quy chế thi cho cán bộ làm công tác thi.

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, tại các hội đồng thi, việc tập huấn cán bộ coi thi cũng được làm rất kỹ. Ngoài các buổi tập huấn tập trung trước kỳ thi, các cụm thi còn chủ động biên soạn tài liệu bỏ túi để cán bộ coi thi có thể đọc thêm. Trước mỗi buổi thi, các giám thị lại được tập trung để nhắc nhở về việc tuân thủ quy chế thi.

Sau môn thi Toán buổi sáng, chiều nay, các em sẽ dự thi môn thứ hai là môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài là 90 phút./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục