Lệ thuộc nguyên phụ liệu: Ngành dệt may khó lòng hưởng lợi từ EVFTA?

Hơn 86% vải nhập khẩu, doanh nghiệp dệt may loay hoay trước thềm EVFTA

Theo bà Đặng Phương Dung, Phó ban cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam, điểm yếu của ngành dệt may là quá lệ thuộc vào nguồn vải nhập khẩu, do vậy khó tận dụng triệt để cơ hội từ hiệp định EVFTA.
Hơn 86% vải nhập khẩu, doanh nghiệp dệt may loay hoay trước thềm EVFTA ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù là ngành có số lượng doanh nghiệp đông đảo nhưng theo bà Đặng Phương Dung, Phó ban cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp dệt may đều có quy mô nhỏ và phát triển mất cân đối, tập trung quá lớn vào xuất khẩu (chiếm tới 85% năng lực của ngành).

Nhấn mạnh thêm tại Hội thảo: "Dệt may Việt Nam với quy tắc xuất xứ trong hiệp định EVFTA", do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp với dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap), tổ chức sáng 18/4, tại Hà Nội, chuyên gia này cũng chỉ ra một điểm yếu của ngành dệt may là quá lệ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Theo đó, chỉ riêng mặt hàng vải, doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu tới 86% để phục vụ sản xuất và xuất khẩu, trong khi chất lượng vải trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu chính của dệt may.

Theo cam kết trong EVFTA, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bỏ thuế nhập khẩu cho nhóm hàng dệt may Việt Nam, nhưng không bỏ ngay mà tiến hành trong vòng 7 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Đáng chú ý, dệt may cũng là mặt hàng khá nhạy cảm với EU nên Hiệp định đưa ra quy tắc xuất xứ tương đối nghiêm ngặt. Các mặt hàng dệt may của Việt Nam phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép.

Cụ thể, để một mặt hàng dệt may Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, thì ít nhất hàng hóa đó phải được sản xuất tại Việt Nam (tiêu chuẩn xuất xứ đơn là vải có thể được nhập khẩu rồi cắt may tại Việt Nam, tiêu chuẩn kép là vải phải được sản xuất tại Việt Nam và khâu cắt may cũng tại Việt Nam).

Bên cạnh đó, EU cho phép áp dụng quy chế cộng dồn nguồn gốc xuất xứ. Nghĩa là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước đối tác với EU cũng được coi là có nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi. Cụ thể, trong Hiệp định có nêu rõ việc cho phép sử dụng vải sản xuất tại Hàn Quốc (nước đã có FTA song phương với EU).

Hơn 86% vải nhập khẩu, doanh nghiệp dệt may loay hoay trước thềm EVFTA ảnh 2Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang phát biểu ý kiến. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nói về thực tế này, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, quy tắc xuất xứ rất ngặt nghèo, chỉ sau hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là một thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam

Thống kê của V​ITAS cho thấy, năm 2016 xuất khẩu của toàn ngành dệt may đạt 28,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vào thị trường EU đạt 3,5 tỷ USD đứng thứ 2 sau thị trường Mỹ.

"Quy tắc xuất xứ vào EU rất phức tạp, phía doanh nghiệp cần nắm chắc qu​y định đối với từng mặt hàng ​và lộ trình giảm thuế trong hiệp định EVFTA để được hưởng các ưu đãi," Ông Trương Văn Cẩm nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục