Chiều nay, 29/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường.”
Ban tổ chức đã trao 10 giải Khuyến khích, 6 giải Ba, 4 giải Nhì và 2 giải Nhất, 2 giải Nhân vật và 2 giải Tập thể. Ngoài ra còn có 4 giải dành cho 4 tác giả có tác phẩm ấn tượng.
Giải nhất được trao cho tác phẩm “Tấm huy chương của Hoàng Minh Hiếu!” của tác giả Cao Văn Dũng, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội Amsterdam (Hà Nội) và tác phẩm “Hơi ấm toả từ bàn tay” của tác giả Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Phổ thông số 2, tỉnh Nghệ An.
Giải nhân vật được trao cho thầy giáo Trần Thọ Đổng (nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - nhân vật trong tác phẩm “Hơi ấm tỏa từ bàn tay”) và thầy giáo Ma Văn Sản (nguyên giáo viên môn Tiếng Anh, trường Trung học Phổ thông số 2, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai – nhân vật trong tác phẩm “Người thầy gieo mầm con chữ”).
Đây là những tác phẩm xuất sắc nhất, những nhân vật tiêu biểu nhất trong số 80.000 tác phẩm dự thi được gửi về ban tổ chức từ khắp mọi miền trên cả nước với tác giả thuộc nhiều độ tuổi. Số lượng lớn tác phẩm dự thi cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc thi trong các nhà trường và cộng đồng, tình cảm yêu thương trân trọng mà người dân mọi tầng lớp, đối tượng, độ tuổi dành cho người thầy và mái trường. Nhiều tác phẩm còn được trình bày công phu với nhiều hình ảnh, clip minh họa, thậm chí viết tay nắn nót, trang trí đẹp mắt.
Đó là ký ức của cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An về thầy giáo Trần Thọ Đổng - người thầy bình dị, gần gũi, ấm áp và chân thành, người đã luôn cổ vũ cô trên hành trình trở thành nhà giáo, sẵn sàng động viên và chở cô 70 cây số để dự thi giáo viên giỏi. Đó là kỷ niệm của thầy giáo Cao Văn Dũng và cậu học trò đam mê cờ vua Hoàng Minh Hiếu trên hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức…
Những câu chuyện đầy xúc động, những tình cảm thầy trò đong đầy trong từng tác phẩm đã lan toả yêu thương và năng lượng tích cực đến cộng đồng.
Phát biểu tại lễ tổng kết cuộc thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng cuộc thi không chỉ là cơ hội để các em học sinh thể hiện lòng biết ơn và tình cảm của mình đối với những người đã dìu dắt, mà còn là dịp để những người làm công tác giáo dục nhìn nhận, đánh giá lại giá trị, tầm quan trọng của nghề giáo trong việc định hình tương lai của thế hệ trẻ.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung xây dựng văn hoá học đường, giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên. Vì thế, cuộc thi nhắm đúng trọng tâm trong giáo dục học sinh hơn bao giờ hết.
Giáo viên biệt phái: 'Mong góp sức mình để hỗ trợ giáo dục vùng cao'
Chưa từng dám đến Mù Cang Chải vì sợ say xe, nhưng năm học 2023-2024 này, cô Thu đã tình nguyện đến đây làm giáo viên biệt phái vì muốn chung sức hỗ trợ học sinh vùng khó.
“Số lượng 80.000 tác phẩm dự thi cho thấy, chúng ta luôn có sự hướng thiện, hướng tới sự nhân văn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mỗi người đặt bút viết về thầy cô và mái trường đều trở nên trong sáng, thánh thiện hơn và có thêm sức mạnh để tiếp tục hành trình. Đó là thành công lớn nhất,” Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” được tổ chức lần đầu tiên năm 2011 với tên gọi “Những kỷ niệm sâu sắc về giáo viên chủ nhiệm và công tác chủ nhiệm lớp”. Từ 2018, cuộc thi mang tên “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” và trở thành cuộc thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thường niên.
Cuộc thi nhằm ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với thầy cô, mái trường./.