Hơn 80 nước thảo luận về biến đổi khí hậu và năng lượng

Ngày 6/6, mọi người dân từ hơn 80 nước trên toàn thế giới cùng tham gia thảo luận về Chính sách toàn cầu về Biến đổi khí hậu và Năng lượng.
Hơn 80 nước thảo luận về biến đổi khí hậu và năng lượng ảnh 1Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng ảnh hưởng rõ nét lên đời sống của người dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. (Ảnh minh họa: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Ngày 6/6, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới, Bộ Sinh thái phát triển bền vững và Năng lượng Pháp tổ chức hội thảo tham vấn "Quan điểm toàn thế giới về Biến đổi khí hậu và Năng lượng."

Tại hội thảo, bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tác động nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Nhiệt độ gia tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt và nhiễm mặn nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống, nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế-xã hội...

Sự kiện “Quan điểm toàn thế giới về Biến đổi khí hậu và Năng lượng” (gọi tắt là WWViews) là sáng kiến của Ban thư ký Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Ủy ban Quốc gia Pháp về tranh luận dân chủ, Hội đồng Công nghệ Đan Mạch và Hội đồng nhiệm vụ công cộng của Pháp; nhằm tạo cơ hội cho người dân trên toàn thế giới được nói công khai ý kiến của họ tới các chính khách tham gia đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21), sẽ được tổ chức tại Paris - Pháp vào tháng 12 tới với sự tham gia của 170 quốc gia.

Trong ngày 6/6, mọi người dân từ hơn 80 nước trên toàn thế giới cùng tham gia thảo luận về Chính sách toàn cầu về Biến đổi khí hậu và Năng lượng. Vì vậy, hội thảo tham vấn này là cơ hội để người dân Việt Nam và người dân khác trên thế giới bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng.

Tham gia sự kiện này người dân trên thế giới có cơ hội bày tỏ quan điểm và đưa ra những kiến nghị hành động về những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Những kiến nghị của người dân trên thế giới được đại biểu các nước tham gia COP21 xem xét trong hoạt động và qua đó tác động đến chính sách biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cũng tại hội thảo, ông Remi Genevey, Giám đốc Quốc gia của Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam cho rằng biến đổi khí hậu có tác động trên toàn thế giới, vì vậy sự kiện "Quan điểm toàn thế giới về Biến đổi khí hậu và Năng lượng" nhằm tìm giải pháp toàn cầu cho mọi quốc gia trên thế giới, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Hội thảo tham vấn này là dịp để mỗi người dân góp một tiếng nói vào quá trình xây dựng chính sách tổng thể, đồng thời cung cấp thông tin cho nhà quyết sách và các phái đoàn tham dự COP21.

Ông Remi Genevey nhấn mạnh: Giai đoạn 2006-2014, Cơ quan Phát triển Pháp đã tài trợ cho Việt Nam hơn 471 triệu euro thực hiện các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu; đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong cải cách chính sách, thiết lập khuôn khổ pháp quy nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phát triển cácbon thấp.

Bà Lone Boge Jensen, Tham tán chính trị, Đại sứ quán Đan Mạch cho biết Đan Mạch là quốc gia đầu tiên hỗ trợ Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam giai đoạn 2009-2015. Những hỗ trợ của Đan Mạch tập trung vào: đời sống người dân, kỹ thuật ứng phó, thích nghi của cộng đồng khi gặp thay đổi nhiệt độ, xâm nhập mặn, nước biển dâng...

Vì vậy, hội nghị tham vấn này nhằm đóng góp ý kiến cũng như đưa các ý kiến người dân Việt Nam nói riêng và người dân trên toàn thế giới nói chung lên cấp cao hơn để đạt được những kết quả và tiếng nói chung trong COP21 sắp tới.

Hội thảo tham vấn sẽ tập trung thảo luận về các chủ đề: tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; công cụ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; đàm phán của Liên hợp quốc và các quốc gia cam kết; công bằng và phối hợp các nỗ lực; lập và giữ lời hứa về khí hậu; tầm nhìn của công dân về năng lượng bền vững tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục