Hơn 74 tỷ đồng cho 5 tuyến đi bộ mới tại trung tâm TP.HCM

Tại Hội nghị phản biện dự thảo Đề án “Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP.HCM,” đơn vị tư vấn đề xuất phương án tổ chức đi bộ trên 5 tuyến đường trung tâm, tổng kinh phí hơn 74 tỷ đồng.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án “Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 24/12, đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án ưu tiên tổ chức đi bộ trên 5 tuyến đường trung tâm với tổng kinh phí hơn 74 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2020-2025.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm đề án, mục tiêu quan trọng nhất phát triển các tuyến phố đi bộ hoặc ưu tiên đi bộ là giảm thiểu tác động của giao thông cơ giới cá nhân; tạo cơ hội phát triển giao thông công cộng phi cơ giới; tăng cường không gian sinh hoạt cộng đồng nhằm phát triển môi trường một cách bền vững.

Đề án xác định mạng lưới tuyến đi bộ phải đảm bảo tính kết nối với các phương thức giao thông (giao thông công cộng, phi cơ giới, bãi đỗ xe), kết nối với các công trình lớn và đảm bảo sự di chuyển an toàn và thoải mái cho khách bộ hành.

Qua nghiên cứu, đơn vị tư vấn đưa ra ba phương án gồm: phố đi bộ vào ngày cuối tuần; ưu tiên đi bộ trên các tuyến đường (Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách); phố đi bộ 24/7 trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi.

[Giảm ùn tắc ở Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng bộ nhiều giải pháp]

Trên cơ sở phân tích, khảo sát, phương án 2 (tổ chức trên các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách) được lựa chọn để thực hiện đánh giá tác động chi tiết và lập kế hoạch chi tiết.

Phương án này sẽ ưu tiên cho người đi bộ (mở rộng vỉa hè, bổ sung vạch sang đường tại các nút giao, đảo dừng chân); hạn chế phương tiện cơ giới (giảm số làn, có thể hạn chế phương tiện chia sẻ, taxi trên một số tuyến đường).

Tiến sỹ Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng mục tiêu tổ chức đi bộ thu gọn trong phạm vi khu vực trung tâm là phù hợp. Dù vậy, cần có đánh giá tại hai tuyến đi bộ đã triển khai là Nguyễn Huệ và Bùi Viện (tổ chức cuối tuần), phân tích các mặt tích cực và chưa tốt, tác động đến người dân… để làm cơ sở thực hiện các tuyến mới.

Việc phát triển tuyến đi bộ khu vực trung tâm cần gắn với không gian ngầm của trung tâm thành phố và nằm trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cơ giới cá nhân.

Để thực hiện Đề án, đơn vị tư vấn đề xuất có tổng cộng 78 nút giao được phân loại cải tạo. Ngoài ra, sẽ tổ chức lại giao thông vào ngày trong tuần và cuối tuần; phương án kết nối với giao thông công cộng, dịch vụ giao thông chia sẻ (các trạm chia sẻ xe đạp, xe đạp điện). Cùng với đó là phát triển hệ thống bãi đỗ xe, với nhu cầu lúc cao điểm năm 2025 là 11.848 ô đỗ xe máy và 4.551 ô đỗ ôtô, taxi. Hiện nay, khả năng cung cấp là 6.060 ô đỗ xe máy và 2.897 ô đỗ ôtô, taxi.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ủng hộ phương án 2 như đơn vị tư vấn đề xuất, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ra những thực trạng cần chấn chỉnh (ở các phố đi bộ hiện nay) khi thực hiện Đề án. Đó là chưa bố trí bãi đậu xe phù hợp hoặc đang quá tải, nhất là ngày lễ tết; các quán ăn kinh doanh buôn bán chặt chém du khách; hàng rong ngày càng nhiều đặt ra vấn đề an toàn thực phẩm; các câu lạc bộ giải trí như đàn, hát, múa, xiếc… ảnh hưởng lớn đến người đi bộ; các khu công cộng, nhà vệ sinh rất bẩn, quá tải… Do đó, cần tăng cường giao thông kết nối, tăng cường khu trú mưa, thùng rác, có khu riêng biệt cho các câu lạc bộ giải trí biểu diễn trên đường phố...

Đồng tình quan điểm này, theo Tiến sỹ Phan Thị Hồng Xuân, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, chỗ giữ xe phải được chú trọng, vì thực tế tại một số tuyến phố đi bộ ở Việt Nam hiện nay, bãi giữ xe rất lộn xộn và hàng quán bán đồ gây mất mỹ quan đô thị. Không phải tất cả các câu lạc bộ văn nghệ cũng bảo đảm đóng góp cho văn minh đô thị.

Thống nhất chủ trương Đề án, tuy nhiên đại diện Ủy ban Nhan dân quận 1 (nơi tổ chức các tuyến phố đi bộ) đề nghị đánh giá lại thực tiễn đã thực hiện tại phố Nguyễn Huệ và Bùi Viện và nhấn mạnh quan trọng là việc thực hiện phải có sự đồng tình của người dân. Khu vực này sẽ có 3 đối tượng là những người làm việc tại đây, người dân sinh sống trong khu vực và khách đến từ nơi khác; cần quản lý các nơi bố trí bãi đậu xe và nghiên cứu luồng tuyến giao thông để tránh ùn tắc.

Theo ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án có những vấn đề liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân và người dân quan tâm đến việc bố trí giao thông khu vực đi bộ, phát triển giao thông công cộng, tổ chức kinh doanh khai thác vỉa hè.

Bên cạnh đó, người dân mong muốn hệ thống các phố đi bộ sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội thành phố, đồng thời hình thành khu đi bộ trung tâm gắn với đặc trưng của thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục