Hơn 73% trẻ sơ sinh không được bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh

Theo thống kê của MICS, có hơn 73% trẻ không được bú sớm một giờ sau sinh, khoảng 37% trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở bệnh viện.
Sản phụ được hướng dẫn cách cho bé bú đúng cách trong một giờ sau khi sinh. (Nguồn: TTXVN)

Theo điều tra MICS (điều tra hộ gia đình của quốc tế, do UNICEF hỗ trợ và phát triển ở nhiều nước trên thế giới, thu thập các số liệu về các hộ gia đình) năm 2014, có hơn 73% trẻ không được bú sớm một giờ sau sinh, khoảng 37% trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở bệnh viện.

Đó là số liệu được đưa ra tại Lễ công bố và trao danh hiệu "Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc," do Bộ Y tế phối hợp cùng Cơ quan Viện trợ Ireland (Arish Aid), Dự án Alive & Thrive tổ chức tại Cần Thơ ngày 28/8.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết "bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc" là danh hiệu được trao cho những bệnh viện thực hiện tốt, đúng quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, được gắn biển công nhận, vinh danh và thông báo trên phương tiện truyền thông để sản phụ, gia đình có thông tin lựa chọn nơi sinh.

[Cho con bú càng lâu, mẹ càng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch]

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, có hai bệnh viện vinh dự được nhận danh hiệu này là Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời (Cà Mau).

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết bên cạnh đánh giá từ cơ quan chuyên môn, đây là lần đầu tiên phản hồi của sản phụ và người nhà là một hợp phần của quá trình đánh giá, công nhận danh hiệu "Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc."

Đây cũng là sự đánh giá cao của bệnh nhân, người nhà đối với dịch vụ, theo đúng chủ trương của Bộ Y tế lấy khách hàng làm trung tâm, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà người bệnh.

Danh hiệu "Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc" không phải danh hiệu trọn đời. Sau 5 năm, Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh sẽ đánh giá lại toàn diện. Hằng năm, việc đánh giá danh hiệu này được lồng ghép trong hoạt động đánh giá chất lượng bệnh viện. Việc khảo sát điện thoại với sản phụ sẽ được duy trì hằng quý.

Bác sỹ Nguyễn Thụy Thùy Ái - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ giải thích, nguyên nhân tỷ lệ trẻ được bú sớm một giờ sau sinh còn thấp, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến từ quan niệm dân gian sản phụ mới sinh không có sữa cho con bú nên thường cho trẻ bú sữa công thức trong thời gian "chờ sữa về."

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân đến từ các cơ sở y tế, sau ca sinh thường tách mẹ và con để cân hoặc tiêm vitamin K. Trong khi đó, đây là các can thiệp có thể thực hiện sau khi trẻ được da kề da đủ 90 phút và có bữa bú đầu tiên.

Ông Roger Mathisen, Giám đốc Chương trình Alive & Thrive khu vực Đông Nam Á, chia sẻ việc nuôi con bằng sữa mẹ, giảm thiểu sinh mổ chủ động sẽ góp phần cải thiện giống nòi, gia tăng sức khỏe cho thế hệ tương lai. Để làm được điều đó, bên cạnh cải tiến về cơ sở vật chất, tay nghề bác sỹ thì cần đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc cho bé bú sớm trong một giờ sau sinh, duy trì cho bé bú đến ít nhất đủ 24 tháng mới cai sữa.

Ông Roger Mathisen cho biết thêm hiện Việt Nam có 28 bệnh viện đăng ký tham gia đề án, bao gồm các bệnh viện công và tư, hơn một nửa trong số đó là bệnh viện tuyến huyện. Việc công nhận không chỉ giới hạn trong các bệnh viện sản nhi và bệnh viện tuyến trên nhằm tạo ra sự cạnh tranh tích cực giữa các bệnh viện trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Nếu 28 bệnh viện trong cả nước đề nghị mà đạt được danh hiệu trên sẽ có khoảng 235,000 trẻ (tức 17% số trẻ sinh ra ở Việt Nam) được sinh ra trong các "Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục