Hưởng ứng sự kiện Giờ Trái Đất 2015, từ 8 giờ 30 phút tối 28/3 (giờ địa phương), trụ sở Liên hợp quốc đặt tại thành phố New York, Mỹ, và Empire State Building - tòa nhà chọc trời biểu tượng của thành phố lớn nhất nước Mỹ này - đã cùng nhiều địa điểm nổi tiếng tại đây tắt đèn trong một giờ đồng hồ.
Tại New York, các nhà hát trên đường Broadway đều tắt đèn neon. Trên khắp nước Mỹ, hưởng ứng Giờ Trái Đất 2015 còn có thành phố Las Vegas nổi tiếng rực rỡ, cầu Cổng Vàng của San Francisco, đường hướng dẫn máy bay hạ cánh của sân bay LAX tại thành phố của những thiên thần Los Angeles.
Ở phía Nam châu Mỹ, nhiều khu vực nổi tiếng ở thủ đô Mexico City của Mexico, hay thành phố Rio de Janeiro của Brazil, cũng đều tắt đèn trong một giờ đồng hồ.
Tại châu Âu, Tháp Eiffel, biểu tượng của thủ đô nước Pháp, đã hưởng ứng "Giờ Trái Đất" với 5 phút tắt điện do các lý do an ninh, trong khi gần 300 địa điểm nổi tiếng khác của "Thành phố ánh sáng" cũng tắt điện.
Sự kiện "Giờ Trái Đất" năm nay có quy mô lớn hơn, đặc biệt khi Hội nghị Thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu, sẽ diễn ra tại thủ đô Paris vào tháng 12 tới. Người dân thủ đô Berlin của Đức thì tụ tập tại các quảng trường với nến và thông điệp kêu gọi cứu khí hậu.
Các điểm du lịch nổi tiếng của Hy Lạp từ đồi Acropolis ở trung tâm Athens tới Đền Partheon cũng như sân bay quốc tế Eleftherios Venizelos đều chìm trong bóng tối.
Người dân Tây Ban Nha thì đổ ra quảng trường trước Cung điện hoàng gia ở Madrid để hưởng ứng Giờ Trái Đất 2015 với những quả bóng được nhét đèn ở bên trong. Các địa điểm nổi tiếng và trụ sở chính quyền ở Hungary, Đức, Serbia, Áo cũng đều tắt điện.
Ở châu Á, Giờ Trái Đất 2015 tại Trung Quốc được đánh dấu với 1 giờ tắt đèn tại các tòa nhà cao tầng cũng như những điểm biểu tượng như cảng Victoria và các tòa nhà ở khu vực trung tâm tài chính của Hong Kong, Tháp 101 tầng ở Đài Loan, Chùa Lôi Phong (Leifeng) ở Quảng Châu.
Ga Victoria của thành phố Mumbai, Ấn Độ cũng tắt đèn suốt 1 giờ đồng hồ.
Tại châu Đại Dương, Australia tổ chức sự kiện Giờ Trái Đất 2015 với sáng kiến tập trung vào nông nghiệp với lo ngại rằng nhiệt độ tăng sẽ ảnh hưởng tới khả năng nuôi trồng thực phẩm của quốc gia.
Trong thông điệp nhân Giờ Trái Đất năm 2015 trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng việc tắt bớt các thiết bị chiếu sáng trong Giờ Trái Đất không chỉ nhắc nhở nhân loại về vấn đề biến đổi khí hậu mà còn hướng đến một mục tiêu quan trọng nữa, đó là việc cung cấp năng lượng sạch cho những cộng đồng dân cư nghèo và hẻo lánh trên thế giới.
Ông nói: "Bằng việc tắt đèn chúng ta cũng nêu bật thực tế rằng hơn một tỉ người đang sống thiếu điện. Sự phồn thịnh của họ trong tương lai gắn với việc được tiếp cận năng lượng sạch với giá phải chăng."
Theo các nhà tổ chức, dự kiến có hơn 7.000 thành phố thuộc 172 nước trên thế giới tham gia tắt đèn từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 tối 28/3./.