Hơn 70% trẻ em đã từng bị giáo dục bằng hình thức xử phạt bạo lực

Trẻ em trai có nhiều khả năng bị xử phạt bạo lực nhiều hơn trẻ em gái cả về thể xác và tâm lý. Trên cả nước, Đông Nam Bộ là khu vực có tỷ lệ trẻ em bị xử phạt bằng bạo lực cao nhất, với 78,5%.
Công bố kết quả điều tra về tình hình của trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Công bố kết quả điều tra về tình hình của trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kết quả điều tra về tình hình của trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam vừa được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) và Tổng cục Thống kê công bố hôm nay (8/12) đã chỉ ra rằng có tới 70,8% trẻ em từ 1-14 tuổi đã bị xử phạt bạo lực (xử phạt tâm lý hoặc thể xác) trong một tháng trước khi được điều tra.

Theo đó, trẻ em càng lớn thì càng phải đối mặt với việc bị xử phạt bằng tinh thần. Cụ thể, 64,4% trẻ em từ 10-14 tuổi phải đối mặt với xử phạt gây áp lực tâm lý thì 25,4% số trẻ này bị xử phạt về thể xác.

Có 67,2% trẻ em từ 10-14 tuổi đã bị ít nhất một hình thức xử phạt về tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong hộ gia đình trong một tháng trước khi được điều tra. Cứ 10 trẻ được điều tra thì có hơn 6 trẻ đã từng bị xử phạt tâm lý và có 4 trẻ bị xử phạt về thể xác. Các hình thức xử phạt nặng nhất về thể xác (đánh trẻ vào đầu, lưng, tai, mặt hoặc đánh mạnh và liên tiếp) ít phổ biến hơn, chỉ 1,3% trẻ em từ 10-14 tuổi bị xử phạt về thể xác nghiêm trọng.

Trẻ em trai có nhiều khả năng bị xử phạt bạo lực nhiều hơn trẻ em gái, cả về thể xác và tâm lý. Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ trẻ em xử phạt bằng bạo lực thấp nhất (64,3%), trong khi tỷ lệ này Đông Nam Bộ là cao nhất (78,5%).

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thừa nhận: “Chúng ta không quá bất ngờ với chỉ số gần 71% trẻ em đã từng được giáo dục bằng hình thức xử phạt bạo lực.”

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng một khía cạnh khác của vấn đề xử phạt trẻ em chính là bạo lực trong gia đình. Thực tế những con số về bạo lực, xâm hại trẻ em hiện nay chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và vẫn còn những chỉ báo ẩn dấu đằng sau cảnh cửa của mỗi gia đình. Chính việc thiếu kiến thức, hiểu biết về chăm sóc trẻ đang dẫn tới các hành vi bạo lực với trẻ.

[UNICEF đánh giá cao Việt Nam ưu tiên chăm sóc trẻ mồ côi do COVID-19]

Kết quả điều tra cũng đã đưa ra một thực tế rằng trong phần lớn trường hợp, các thành viên trong gia đình sử dụng kết hợp các biện pháp xử phạt bạo lực để giáo dục trẻ em. Điều này cho thấy người chăm sóc có động cơ kiểm soát hành vi của trẻ bằng mọi cách có thể. Đáng lưu ý, cứ 10 người chăm sóc trẻ thì có 1 người (khả năng cao là không có bằng cấp hoặc thuộc nhóm nghèo nhất) tin rằng xử phạt về thể xác là cần thiết để giáo dục trẻ em.

Hơn 70% trẻ em đã từng bị giáo dục bằng hình thức xử phạt bạo lực ảnh 1

Bà Nguyễn Phương Linh là Viện trưởng của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cũng cho rằng con số về tỷ lệ trẻ em bị xử phạt bằng bạo lực không đáng ngạc nhiên và chỉ ra rằng kể từ cuộc điều tra năm 2014 đến nay, tỷ lệ trẻ em bị xử phạt bằng bạo lực vẫn ở mức rất cao. Nếu như năm 2014 tỷ lệ này là khoảng 67% thì trải qua 7 năm tỷ lệ này ở mức 70%. Đây là vấn đề rất cần được lưu ý khi mà đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa thu gọn được chỉ số này.

Theo bà Nguyễn Phương Linh Vấn đề xử phạt trẻ em bằng bạo lực càng càng cần được quan tâm hơn khi tỷ lệ bạo lực với phụ nữ về trẻ em tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Xử phạt trẻ em liên quan trực tiếp tới vấn đề về nhận thức về bạo lực gia đình, có những chỉ số trong báo cáo liên quan đến ‘vòng tròn bạo lực.’ Khi trẻ em lớn lên trong môi trường bạo lực gia đình thì sẽ có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình hay trở thành người gây ra bạo lực gia đình.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cũng nhấn mạnh tình trạng kỷ luật trẻ em bằng phương pháp bạo lực trong hộ gia đình vẫn là một thực trạng phổ biến ở Việt Nam.

"Hơn 70% trẻ em từ độ tuổi 1 đến 14 đều bị ảnh hưởng. Đây là một mối lo ngại lớn, bởi lẽ nó sẽ để lại hậu quả lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ em, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần tâm lý cũng như dẫn đến các nguy cơ cao hơn, ví dụ như có hành vi bạo lực ở trẻ em hoặc lạm dụng chất an thần, gây nghiện trong tương lai và từ đó nó có thể ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng một xã hội gắn kết tại Việt Nam,”  bà Rana Flowers cho hay.

Các chỉ số cho thấy phần nào thực trạng hiện nay để đóp góp vào quá trình xây dựng chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em và và sửa đổi luật phòng chống bạo lực gia đình trong năm 2022.

Xử phạt về thể xác: Túm và lắc trẻ hoặc đánh/phát vào mông trẻ bằng tay trần hoặc đánh vào mông trẻ hoặc chỗ khác trên thân thể trẻ bằng một vật như thắt lưng, roi hoặc một vật cứng khác hoặc đánh hoặc tát trẻ vào mặt, đầu hoặc mang tai hoặc đánh hoặc phát trẻ vào bàn tay, cánh tay hoặc cẳng chân hoặc đánh trẻ liên tiếp, mạnhhết sức có thể

Xử phạt nặng về thể xác: Đánh trẻ vào đầu, lưng, tai, mặt hoặc đánh mạnh và liên tiếp vào trẻ

Xử phạt về tâm lý: La hét, gào hoặc chửi rủa trẻ hay gọi trẻ là đồ ngu, đồ lười hoặc một cái tên đại loại như vậy.

Xử phạt bạo lực: Bất kỳ hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục