Hơn 70 nhà lãnh đạo trẻ thảo luận về hoạt động đổi mới trong dạy-học

Các nhà lãnh đạo trẻ trao đổi ý tưởng về tăng cường các hoạt động đổi mới trong dạy-học, số hóa-chia sẻ tài nguyên; tích hợp đổi mới, khởi nghiệp giữa các trường đại học ASEAN, Mỹ cùng các nước khác.

Hội thảo khu vực Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) 2023 với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong quốc tế hóa giáo dục đại học” đã khai mạc sáng 16/5, tại Hà Nội, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chủ trì tổ chức, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 70 nhà lãnh đạo trẻ trong độ tuổi từ 22-35, được lựa chọn từ hơn 900 ứng viên của 10 quốc gia ASEAN và Timor Leste. Họ là giảng viên, nhà quản lý, nhà hoạch định và vận động chính sách, cố vấn và chuyên gia trẻ đang làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội liên quan đến lĩnh vực giáo dục đại học.

Tại phiên khai mạc, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết Hội thảo lần này quy tụ các thủ lĩnh trẻ tham gia đối thoại, trao đổi ý tưởng về tăng cường các hoạt động đổi mới trong dạy-học, số hóa-chia sẻ tài nguyên; tích hợp đổi mới và khởi nghiệp giữa các trường đại học ASEAN, Hoa Kỳ cùng các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, thông qua nhiều chương trình và cam kết khác nhau, Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) góp phần trau dồi năng lực lãnh đạo của giới trẻ, nuôi dưỡng cộng đồng các nhà lãnh đạo làm việc xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề chung.

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Chương chia sẻ, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà trường cam kết thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong mọi lĩnh vực học tập, chú trọng đào tạo sinh viên được trang bị các kỹ năng và kiến thức cần thiết để tạo tác động tích cực đến nền kinh tế của đất nước. Giáo dục là một công cụ mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi tích cực. Do đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vui mừng có cơ hội hợp tác với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để tạo ra những cơ hội mới cho việc học tập, phát triển.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ tin tưởng, tương lai của Đông Nam Á sẽ rất tươi sáng, nhưng đòi hỏi những nhà lãnh đạo phải đổi mới và có tầm nhìn xa, cam kết tạo ra tác động tích cực.

[Trao 180 suất học bổng đào tạo lãnh đạo trẻ cho các ứng viên tài năng]

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc sẵn sàng cùng các nước ASEAN và Timor-Leste thúc đẩy các sáng kiến giáo dục trong khu vực. Với việc hỗ trợ tổ chức hội thảo này, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam hy vọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học thông qua việc khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ nhau nhằm tăng cường hội nhập khu vực.

Trong 4 ngày diễn ra hội thảo (ngày 16-19/5), các đại biểu có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động và chương trình được thiết kế giúp phát triển kỹ năng lãnh đạo, xây dựng mạng lưới, hiểu sâu hơn về các vấn đề, thách thức đang đối mặt. Các nội dung được tập trung thảo luận, gồm đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và học tập; đổi mới sáng tạo trong số hóa và chia sẻ nguồn lực; đổi mới sáng tạo trong giáo dục bao trùm; lồng ghép văn hoá đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học.

ASEAN hiện có hơn 7.000 cơ sở giáo dục đại học với khoảng 12 triệu sinh viên. Cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học của các nước thành viên ASEAN với nước ngoài ngày càng gia tăng. Điều này thôi thúc các cơ sở giáo dục đại học của ASEAN phải đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, cơ sở giáo dục buộc phải nhận thức rõ giá trị của việc tích hợp đổi mới, bao gồm cả đổi mới xã hội và thiết lập nó như một chính sách ưu tiên. Các cơ sở giáo dục đại học - chủ thể quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, cần tìm cách đạt chất lượng cao và khác biệt trên toàn cầu thay vì chỉ tập trung vào quy mô như chiến lược truyền thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục