Số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy hơn 6 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm trên toàn thế giới kể từ khi đại dịch bùng phát.
Cột mốc quan trọng - tính đến đầu giờ chiều 25/9 (theo giờ Mỹ) này - được ghi dấu 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết khoảng 60 triệu người Mỹ đủ điều kiện để tiêm các mũi vaccine tăng cường.
Ông kêu gọi những người Mỹ đủ điều kiện hãy đi tiêm mũi tăng cường, đồng thời cho biết bản thân cũng sẽ tiêm sớm nhất có thể. Tổng thống Mỹ cho biết thêm: "Giống như mũi tiêm thứ nhất và thứ hai, mũi tiêm tăng cường này miễn phí và dễ dàng tiếp cận.”
Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ ở các cấp quốc tế cũng như từng quốc gia. Trên phạm vi quốc tế, hoạt động hợp tác, chia sẻ vaccine, đặc biệt thông qua cơ chế toàn cầu COVAX, đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
[Dịch COVID-19: Mỹ, Nga có số ca nhiễm và tử vong cao nhất qua 24h giờ]
Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19, diễn ra ngày 22/9 tại New York (Mỹ) nhân tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Mỹ thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vaccine nước này viện trợ cho quốc tế lên 1,1 tỷ liều.
Nhật Bản cũng cam kết sẽ cung cấp bổ sung 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19, qua đó nâng tổng số vaccine viện trợ cho các nước lên 60 triệu liều. Italy tuyên bố cung cấp 45 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trước cuối năm nay, gấp 3 lần cam kết ban đầu.
Tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu tham vọng, theo đó đến thời điểm tổ chức khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm vaccine.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, thế giới chỉ có thể đạt được mục tiêu này nếu có ý chí chính trị và tinh thần hợp tác để có thể cùng nhau thích ứng an toàn với COVID-19./.