Ngày 6/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức tài chính vi mô (thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh) cùng với Liên đoàn Lao động 9 tỉnh miền Đông-Tây Nam Bộ gồm Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang ký kết thực hiện các nhóm giải pháp nhằm phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động.
Nội dung trọng tâm là tăng khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của Tổ chức tài chính vi mô (CEP) cho công nhân lao động; nâng cao kiến thức tài chính, giúp công nhân lao động phòng tránh “tín dụng đen” và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của công nhân lao động.
Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc CEP, chương trình ký kết được thực hiện trong 5 năm (2023 - 2028) nhằm tăng cường sự phối hợp, cam kết, trách nhiệm, hiệu quả trong việc chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, giảm thiểu tác hại “tín dụng đen,” qua đó nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức Công đoàn.
CEP sẽ cung cấp cho hơn 1,41 triệu lượt công nhân, hộ gia đình công nhân vay vốn với tổng số tiền hơn 50.000 tỷ đồng; giúp công nhân lao động tăng cường thói quen tiết kiệm để thực hiện kế hoạch tài chính cá nhân; dự phòng cho các rủi ro phát sinh, tránh vay “tín dụng đen.”
Mục tiêu có hơn 125.000 công nhân mới tham gia tiết kiệm 202,65 tỷ đồng. CEP dành số tiền hơn 60 tỷ đồng thực hiện Chương trình “CEP chia sẻ yêu thương” hỗ trợ khoảng 195.000 gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống. Đồng thời, CEP hỗ trợ xây, sửa nhà, tặng học bổng và quà học tập; hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho công nhân bị tai nạn lao động, thiên tai...
Song song đó, CEP cùng Liên đoàn Lao động các tỉnh đẩy mạnh nâng cao kiến thức tài chính, giúp công nhân lao động phòng tránh “tín dụng đen” và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân thông qua việc tuyên truyền tác hại “tín dụng đen”; tư vấn tài chính cá nhân (trực tiếp); giới thiệu sản phẩm dịch vụ CEP, cung cấp kiến thức tài chính, giới thiệu việc làm cho công nhân lao động.
CEP cùng Liên đoàn Lao động các tỉnh triển khai Chương trình giáo dục tài chính cho công nhân lao động thông qua App CEP, kênh Zalo OA, Youtube của CEP; xây dựng công cụ tính toán lãi suất và xác định mức vay phù hợp tích hợp trên website CEP, giúp công nhân lao động chủ động lựa chọn phương án vay vốn phù hợp…
[Thành phố Hồ Chí Minh: CEP - "ngân hàng" của người lao động nghèo]
Tại lễ ký kết, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao nỗ lực của CEP và các cấp Công đoàn Thành phố trong việc hỗ trợ, linh hoạt cung cấp nguồn vốn cho công nhân lao động; đồng thời ghi nhận tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động các tỉnh đã tích cực trong việc phối hợp ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho CEP hoạt động để cùng thực hiện mục tiêu chung tay bảo vệ, chăm lo công nhân, người lao động.
Ông Nguyễn Hồ Hải cho rằng việc hỗ trợ vốn vay kịp thời, đúng người, đúng chỗ không chỉ chia sẻ với công nhân lao động, nhất là trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hạn chế nạn “tín dụng đen” mà còn giúp công nhân lao động quản lý hiệu quả chi tiêu, ổn định cuộc sống, khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, là đại diện của người lao động trước xu thế mới.
Ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị các đơn vị nhanh chóng thực hiện nội dung ký kết để kịp thời đưa vốn vay đến công nhân, người lao động; mong muốn công nhân, người lao động được vay vốn nỗ lực vượt khó, vươn lên, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để ổn định cuộc sống.
Tại buổi lễ, CEP đã phát vay gần 230 triệu đồng vốn cho đoàn viên Nghiệp đoàn xe máy và trao hỗ trợ, tặng học bổng cho con công nhân lao động ở 9 tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh có hoàn cảnh khó khăn./.