Hãng thông tấn Antara cho biết, tính đến ngày 20/3, tổng cộng đã có hơn 5 triệu người Indonesia được tiêm chủng ngừa COVID-19, trong đó có hơn 2,2 triệu người đã được tiêm mũi thứ hai.
Với kết quả này, Indonesia tiếp tục dẫn đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á về cả tiến độ triển khai cũng như số lượng vaccine đã tiếp nhận.
Số người nói trên tăng gần 166.000 người so với ngày 19/3 và chiếm gần 13% trong tổng số hơn 40 triệu người thuộc diện tiêm chủng trong giai đoạn một và giai đoạn hai của chương trình tiêm chủng quốc gia Indonesia.
Cho đến nay, Indonesia đã gần hoàn thành mục tiêu tiêm chủng giai đoạn một cho các nhân viên y tế. Cụ thể, hơn 98% trong tổng số 1.468.764 nhân viên y tế đã được tiêm liều đầu tiên và gần 84% đã nhận được mũi tiêm thứ hai.
[Indonesia đặt mục tiêu hoàn tất chiến dịch tiêm chủng trong năm 2021]
Ngoài ra, gần 16% trong tổng số 17.327.169 công viên chức nhà nước thuộc diện tiêm chủng đã được tiêm mũi thứ nhất và 5,67% đã được tiêm mũi thứ hai. Trong khi đó, mới chỉ có 4,43% trong tổng số 21.553.118 người cao tuổi thuộc diện tiêm chủng được tiêm liều thứ nhất và 0,04% được tiêm liều thứ hai.
Hiện Indonesia đã nhận được cam kết cung cấp 426 triệu liều vaccine từ nhiều nhà sản xuất và đã tiếp nhận tổng cộng 39,1 triệu liều, trong đó 38 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc và 1,1 triệu liều từ hãng AstraZeneca.
Dự kiến, Indonesia sẽ tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư. Ngoài vaccine Sinopharm, quốc gia Đông Nam Á này cũng đang đàm phán để mua 5,2 triệu liều vaccine Moderna của Mỹ.
Cùng ngày, Antara cho biết Chính phủ Indonesia sẽ nối lại việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca từ tuần tới nhằm hỗ trợ cho chương trình tiêm chủng quốc gia.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin thông báo: “Chúng tôi sẽ bắt đầu phân phối và sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca vào tuần tới”./.