Hơn 43.000 hộ nông dân thoát nghèo nhờ trồng rừng hiện đại

Hơn 43.000 hộ dân ở miền Trung Việt Nam đã thoát nghèo nhờ được tiếp cận với các khoản vay lãi suất thấp và hỗ trợ kỹ thuật để trồng hơn 76.500ha rừng theo phương pháp hiện đại.
Hơn 43.000 hộ nông dân thoát nghèo nhờ trồng rừng hiện đại ảnh 1Chăm sóc cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Dự án trồng rừng với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Nhóm Ngân hàng Thế giới, Quỹ tín thác Lâm nghiệp và Chính phủ Việt Nam, đã giúp hơn 43.000 hộ dân ở miền Trung Việt Nam thoát nghèo nhờ được tiếp cận với các khoản vay lãi suất thấp và hỗ trợ kỹ thuật để trồng hơn 76.500ha rừng bằng phương pháp hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Thu Lan, Chuyên gia cao cấp về Môi trường của Ngân hàng Thế giới, Chủ nhiệm dự án, cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng phương pháp cho vay lại trong hoạt động trồng rừng tiểu điền. Hình thức này bền vững hơn so với phương pháp trợ cấp theo truyền thống.

Theo ông Phạm Quốc Chiến, Giám đốc Ban Điều phối dự án Trung ương, dự án cũng đã hỗ trợ hoạt động đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), cho khoảng 35.000 hộ. Nhờ vậy, các hộ nông dân có thể dùng sổ đỏ để vay vốn lãi suất thấp từ nguồn vốn quay vòng của dự án do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quản lý.

Bên cạnh đó, các cán bộ khuyến lâm của dự án thường xuyên tập huấn và cung cấp hỗ trợ trực tiếp tại hiện trường cho người dân về xây dựng kế hoạch kinh doanh rừng, lập dự toán, phương pháp trồng rừng, theo dõi và thu hoạch rừng.

Nhờ đó, đã có khoảng 850ha rừng đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật, xã hội và môi trường quốc tế nghiêm ngặt đã được cấp Chứng nhận quản lý rừng quốc tế. Điều này mang lại thu nhập cao hơn cho các hộ trồng rừng nhờ giá của rừng trồng có chứng chỉ cao hơn khoảng 30% so với rừng thường cùng loại.

Trong dự án này, hơn 400 km đường lâm sinh đã được xây dựng và cải tạo giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển, tăng năng suất lạo động, góp phần nâng cao thu nhập và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng 86 chòi canh lửa và 102 bảng thông tin trên khắp vùng dự án để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, các phương pháp sản xuất lâm nghiệp hiện đại của dự án này là một phần trong nỗ lực đổi mới ngành lâm nghiệp tại Việt Nam.

“Tôi hy vọng những bài học kinh nghiệm hay của dự án này có thể được nhân rộng, nhờ thế nhiều hộ gia đình Việt Nam sẽ được tiếp cận đến tín dụng, cũng như những phương pháp trồng rừng hiện đại,” bà Victoria Kwakwa nói./.

Dự án Phát triển Ngành Lâm nghiệp được triển khai từ năm 2005 đến năm 2015 tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và Thanh Hóa.

Dự án kết thúc vào tháng 3 năm 2015, song quỹ quay vòng do Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam quản lý sẽ tiếp tục vận hành thêm 20 năm nữa, vì vậy nhiều hộ gia đình sẽ còn được tiếp cận đến nguồn tín dụng này.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục