Bộ Y tế đã có quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắcxin sởi-rubella cho trẻ 1-5 tuổi năm 2018-2019.
Theo Quyết định số 6193/QĐ-BYT, số lượng trẻ tham gia chiến dịch dự kiến là hơn 4,28 triệu.
Chiến dịch được triển khai giúp trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm 1 mũi vắcxin sởi-rubella góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng
Chiến dịch được chia thành 2 đợt, đợt 1 (từ tháng 11-12/2018) tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh/thành phố; đợt 2 (từ tháng 1-2/2019) tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh/thành phố.
Thực hiện chiến dịch, trẻ từ 1-5 tuổi tại vùng nguy cơ cao sẽ được tiêm 1 mũi vắcxin MR (vắcxin kết hợp nhằm bảo vệ chống cả sởi lẫn rubella), không kể tiền sử được tiêm chủng vắcxin phòng bệnh sởi hoặc vắcxin phòng bệnh rubella trước đó.
Ngoại trừ trẻ đã tiêm vắcxin phòng bệnh sởi hoặc vắcxin phòng bệnh rubella trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.
Để chiến dịch đạt hiệu quả, Bộ Y tế đảm bảo sẵn sàng cung ứng vắcxin sởi-rubella, bơm kim tiêm, hộp an toàn.
[Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết]
Việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng bổ sung sẽ được triển khai đồng loạt tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ, cơ sở y tế… trong một hoặc nhiều đợt nhỏ theo cụm huyện, xã tùy vào điều kiện của từng địa phương.
Đặc biệt, ngành y tế thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các tuyến quốc gia, khu vực, tỉnh, huyện chủ động cử các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động trước, trong và sau khi triển khai kế hoạch.
Cán bộ giám sát có trách nhiệm theo dõi giám sát, hỗ trợ cơ sở tiêm chủng thực hiện đúng các quy định, đảm bảo chất lượng, an toàn tiêm chủng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2017 số mắc sởi tại Việt Nam có xu hướng gia tăng so với năm 2015, 2016, ghi nhận 436 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 45 tỉnh/thành phố, trong đó có 145 trường hợp sởi dương tính.
Năm 2018, tính đến ngày 17/9, toàn quốc có 37 tỉnh, thành phố ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc sởi dương tính, 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên.
Các tỉnh hiện có số ca bệnh sởi cao chủ yếu tập trung ở khu vực miền Bắc như Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên...
Dù tỷ lệ tiêm vắcxin sởi và vắcxin sởi-rubella trên toàn quốc những năm gần đây đạt cao, song tỷ lệ này vẫn chưa đạt 95% và vẫn còn các vùng nguy cơ cao, có nơi mới chỉ đạt tỷ lệ tiêm dưới 90%.
Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện vi rút sởi lưu hành có thể gây dịch.
Việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắcxin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi.
Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút Rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Vắcxin sởi và rubella an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh. Tỷ lệ tiêm mũi 1 vắcxin sởi trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95% và tỷ lệ tiêm vắcxin MR cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%.
Năm 2018, Việt Nam đã tiến hành bổ sung vắcxin sởi-rubella cho 33 huyện thuộc 6 tỉnh nguy cơ bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.
Đến nay hầu hết các huyện đã hoàn thành chiến dịch với tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%. Ngoài ra 13 tỉnh/thành phố vùng nguy cơ cao đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắcxin sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi.../.