Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 23/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 124,28 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2,73 triệu ca tử vong.
Số bệnh nhân phục hồi là 100,25 triệu người. Số ca mắc cần điều trị tích cực là 90.838 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 403.270 ca nhiễm mới, trong đó Brazil có số ca nhiễm mới cao nhất, với 53.386 ca, tiếp sau là Mỹ 44.643 ca, Ấn Độ 40.611 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 22.216 ca...
[Tình hình dịch COVID-19 ngày 21/3: Hơn 99,5 triệu người đã khỏi bệnh]
Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới 30,57 triệu ca, tiếp sau là Brazil 12,05 triệu ca và Ấn Độ 11,68 triệu ca.
Tại châu Âu, trong 24 giờ qua, Pháp, Ba Lan và Italy là 3 nước có số nhiễm mới cao nhất châu lục, lần lượt ở mức 15.792 ca, 14.578 ca và 13.846 ca.
Tại khu vực Nam Mỹ, số ca nhiễm mới tại Brazil cao gấp 9-10 lần so với các nước trong khu vực.
Đáng lo ngại, Bộ Y tế Uruguay xác nhận tại nước này đã xuất hiện 2 biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Brazil, trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Y tế Urugay Daniel Salinas cho biết theo báo cáo của nhóm công tác đa ngành giám sát dịch COVID-19, các chuyên gia y tế nước này đã tiến hành phân tích 175 mẫu xét nghiệm được đưa về từ nhiều nơi trên cả nước và phát hiện trong 24 mẫu có biến thể P1 và 4 mẫu có biến thể P2 đều có nguồn gốc từ Brazil.
Việc phát hiện những biến thể mới được cho là có khả năng lây lan nguy hiểm hơn chủng virus gốc khiến Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận các phương án đối phó.
Các chuyên gia cho rằng việc các biến thể này xuất hiện trong cộng đồng khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Uruguay là một trong số ít nước Mỹ Latinh kiểm soát khá tốt dịch COVID-19, theo đó đến nay nước này mới chỉ ghi nhận 81.537 ca mắc bệnh, trong đó 792 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trong những tuần qua số ca nhiễm mới tăng mạnh - chỉ trong hơn một tuần đã phát hiện hơn 13.000 trường hợp.
Tại châu Phi, dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh tại Ethiopia và Kenya.
Trong 24 giờ qua, 2 nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực, với 1.537 ca nhiễm mới tại Ethiopia và 1.130 ca nhiễm mới tại Kenya.
Tổng số ca nhiễm tại châu Phi hiện đã lên tới 4,14 triệu ca, trong đó Nam Phi chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 với tổng số 1,53 triệu ca nhiễm.
Tại châu Á, ngoài điểm nóng dịch bệnh là Ấn Độ, nhiều nước tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca nhiễm tại châu Á đã lên tới 27,08 triệu ca./.