Hơn 40 năm sưu tầm tư liệu về Hồ Chủ tịch, học Bác để hoàn thiện mình

Dù mất nhiều công sức sưu tầm tư liệu về Bác Hồ nhưng bà Nguyệt đã quyết định trao tặng hơn 1.800 bức ảnh quý mình sưu tầm cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để mang hình ảnh của Bác đến gần hơn với mọi người.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt tự hào về gia tài của mình là những tài liệu, tư liệu về Bác Hồ. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Hơn 40 năm, bà Nguyễn Thị Nguyệt (85 tuổi, ngụ Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên cán bộ ngành văn hóa thể thao đã dày công sưu tầm các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Đến cuối đời, gia tài mà bà Nguyệt tự hào nhất đó là 400 quyển sách, hơn 3.000 bức ảnh về Hồ Chí Minh. Với bà, giữ gìn di sản của Bác và học theo tấm gương của Người là cách thể hiện tình cảm sâu sắc dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Ký ức về hai lần được gặp Bác Hồ

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bà Nguyễn Thị Nguyệt tham gia kháng chiến từ rất sớm.

Năm 1955, bà tập kết ra Bắc, học tập tại Trường Học sinh miền Nam Hải Phòng. Thời gian học tập tại đây, bà vinh dự được hai lần gặp mặt Bác Hồ kính yêu.

Một buổi chiều tháng 5 lịch sử, trong ngôi nhà nhỏ đầy ắp sách, ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Nguyệt nhớ lại về hai lần bà được gặp Bác Hồ.

Lần đầu tiên là năm 1955, Bác Hồ tới Bệnh viện 303 (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô) thăm Đại tá Hồ Thị Bi. Bà Nguyệt chỉ được đứng nhìn Bác từ xa.

Đến năm 1959, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh tại Trường Học sinh miền Nam Hải Phòng, bà được gặp Bác lần thứ 2. Chính cuộc gặp gỡ này đã khiến tâm trí của bà Nguyệt in đậm hình ảnh về vị lãnh tụ kính yêu.

Bà Nguyệt nhớ lại: “Lúc bấy giờ, tôi được giao nhiệm vụ đứng ngoài mở cửa cho một đoàn cán bộ Trung ương đến thăm trường. Thế nhưng, khi đoàn xe dừng trước cổng, tôi như nghẹn lại khi nhìn thấy Bác bước xuống. Không thể cưỡng lại được sự vui sướng, tôi vội chạy đến ôm chầm lấy Bác.”

Cho đến tận bây giờ, bà Nguyệt vẫn không thể quên được buổi gặp gỡ đặc biệt ấy. Hình ảnh người lãnh tụ vĩ đại vô cùng giản dị bắt tay từng người, ân cần hỏi han việc học, nơi ăn chốn ở của cán bộ và học sinh miền Nam cứ thế tạo nên dấu ấn khó phai.

Bức ảnh chụp Bác Hồ nói chuyện tại Trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng năm 1959 là một trong những kỷ vật được bà Nguyễn Thị Nguyệt nâng niu, trân trọng nhất. Mỗi lần nhìn bức ảnh, những ký ức về lần gặp Bác Hồ ấy lại như ùa về.

Sau ngày miền Nam giải phóng, bà Nguyệt được cử đi học ở Liên Xô và trở về công tác tại Tổng cục Thể dục, Thể thao. Những tháng ngày này, bà lại vinh dự được hai lần tham gia vào công tác xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có lẽ, chính những cơ duyên được gặp Bác, được tham gia xây dựng chốn yên nghỉ ngàn thu của Người đã thôi thúc bà Nguyệt quyết định sưu tầm sách, ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh như một di sản gìn giữ lại cho đời sau.

“Tôi muốn con cháu, thế hệ sau hiểu nhiều hơn về Bác Hồ, học tập Người để trở thành người có ích, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân,” bà Nguyệt trải lòng.

Suốt hơn 40 năm qua, bà Nguyệt hầu như đi đến tất cả các nhà sách, tiệm sách trong khắp cả nước để tìm kiếm các cuốn sách, ảnh, tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chỉ cần nghe nói ở đâu có sách, ảnh về Bác, bà Nguyệt đều tìm đến và dành dụm tiền để mua. Có những cuốn sách bà không đủ tiền mua đành phải để lại, chờ gom tiền để lần sau quay lại.

Khi đi thăm người thân ở nước ngoài, bà Nguyệt cũng tìm kiếm tư liệu về Hồ Chủ Tịch.

[Gia đình Việt kiều Anh lưu giữ những kỷ niệm quý giá về Bác Hồ]

Nghe tin bà chuyên sưu tầm tư liệu về Bác, nhiều lãnh đạo, người thân và cả những người không quen biết thỉnh thoảng lại gửi cho bà những cuốn sách, tấm ảnh quý giá.

Cho đến nay, bà Nguyệt đã sưu tầm được 400 cuốn sách và hơn 3.000 bức ảnh về Bác. Những bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh của bà Nguyệt rất độc đáo, trong đó không ít bức ảnh “có một không hai,” như bức ảnh Bác Hồ được dệt bằng vải do Trung Quốc tặng, bức ảnh Bác Hồ chụp với con gái của Tổng thống Indonesia năm 1957, thẻ cử tri của Bác được cấp năm 1965…

Đằng sau mỗi bức ảnh, bà đều cẩn thận ghi chú thời gian, địa điểm, sự kiện rồi ép nhựa, lồng vào album và bảo quản cẩn thận trong ngăn tủ. Với bà Nguyệt, đây là gia tài quý giá nhất mà bà có được trong suốt cuộc đời của mình.

Người nói chuyện về Bác Hồ

Cùng với việc sưu tầm về Bác, bà Nguyệt đã đi đến hơn 30 quốc gia - những nơi Bác Hồ từng đến thuở tìm đường cứu nước.

Theo bà, đến để hiểu hơn hành trình cứu nước gian khổ của Người cũng là cách hiểu hơn về con người vĩ đại Hồ Chí Minh. Cùng với đó, bà đọc hơn 400 cuốn sách viết về Bác Hồ, trở thành kho tư liệu “sống” mà bất cứ ai cũng có thể tham khảo.

Yêu kính Bác, tìm hiểu và sưu tầm sách, ảnh về Bác, bà Nguyệt trở thành người chuyên nói chuyện về Bác Hồ. Hàng chục năm qua, mỗi ngày, bà đều dành một phần thời gian để đọc sách về Bác.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt tự hào với những bức ảnh đặc biệt về Bác Hồ mà bà đã sưu tầm. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Mỗi một lần được mời nói chuyện về Bác Hồ, bà Nguyệt lại nghiên cứu rất kỹ, đưa ra các dẫn chứng, hình ảnh minh họa rất sinh động.

“Nói chuyện về Bác phải thật gần gũi, chân thực, người nghe mới thấy thú vị, chứ không chỉ là những lời ca tụng sáo rỗng. Hiểu hết được về Bác khó lắm và không phải ai cũng hiểu được,” bà Nguyệt cho hay.

Dù được mời nói chuyện nhiều lần cho nhiều đối tượng khác nhau nhưng bà Nguyệt tâm đắc nhất là những lúc nói chuyện về Bác cho học sinh, thiếu nhi.

Tự nhận mình là “người hiếm hoi” nói chuyện về Bác cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, bà Nguyệt luôn chuẩn bị sẵn hàng nghìn mẩu chuyện về Bác với thiếu nhi và tìm những câu trả lời phù hợp với các câu hỏi ngây thơ của trẻ như: Vì sao Bác nuôi cá mà không nuôi con khác, Bác Hồ yêu quý thiếu nhi như thế nào?...

Bà chia sẻ: “Các cháu thường hát bài 'Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng' nhưng thật sự các cháu đã hiểu về Bác chưa? Không hiểu về Bác, làm sao mà yêu Bác được? Và tôi đã giúp các cháu hiểu hơn về con người, tấm lòng, nhân cách vĩ đại của Người để từ đó học tập theo Bác bằng những việc đơn giản như: ăn cơm không đổ ra ngoài, rửa tay sạch trước khi ăn, tiết kiệm nước, không vứt rác bừa bãi… Đó cũng là cách yêu nước theo gương Hồ Chủ Tịch.”

Không chỉ nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tháng ngày còn công tác ở Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, bà Nguyệt luôn sống và làm việc theo tinh thần “sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại.”

Sau này nghỉ hưu, bà trở thành Bí thư Chi bộ Khu phố 4, phường Cô Giang, Quận 1. Noi gương Người, bà từng bước đưa khu phố trở thành điển hình tiên tiến, văn minh, sạch đẹp.

Bà học Bác “gần dân, nắm dân, nghe dân và cùng dân,” vận động, giáo dục cư dân khu phố từ chỗ không biết đến hiểu và sống theo pháp luật. Bà giáo dục một em từ trộm cắp thành một người canh gác bình yên cho khu phố, khuyên bảo một người nghiện hút trở thành công dân có ích cho xã hội…

Dù mất nhiều công sức sưu tầm tư liệu về Bác Hồ nhưng bà Nguyệt đã quyết định trao tặng hơn 1.800 bức ảnh quý mình sưu tầm cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bà tâm sự: “Tôi không muốn mình sưu tầm hình ảnh, bài viết về Bác rồi cất vào ngăn tủ. Việc tôi muốn làm là mang hình ảnh của Bác đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên.”

Hiểu về Bác, kính Bác và học Bác từ những điều nhỏ nhặt nhất, bà Nguyễn Thị Nguyệt luôn tâm niệm: “Học Bác để hoàn thiện mình, học Bác để sống 'thiện' hơn, học Bác để yêu nước hơn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục