Ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ chủ trì Hội nghị thường niên năm về Mạng lưới đô thị thông minh (ASCN) theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 40 điểm cầu chính là đại diện các quốc gia thành viên, đại diện các đô thị thành viên, Ban thư ký ASEAN và các đối tác ngoài Mạng lưới.
Năm 2020, Việt Nam là nước Chủ tịch luân phiên của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN 2020). Tuy nhiên, do các quốc gia trên thế giới cũng như ASEAN đang phải tập trung nguồn lực để ứng phó với đại dịch COVID-19, nên Hội nghị sẽ tổ chức trược tuyến trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng.”
Chủ đề xuyên suốt cả năm cho các hoạt động của ASCN 2020 là “Đô thị thông minh-hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.”
Tại hội nghị, thành viên ASCN tập trung thảo luận để thông qua 3 tài liệu quan trọng của mạng lưới, gồm: Khung quy định ASCN hợp tác với đối tác bên ngoài; Văn bản xem xét mở rộng thành viên của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN; Khung giám sát và đánh giá Mạng lưới ASCN.
Các tài liệu là một bước phát triển quan trọng mới, tiếp tục củng cố hoạt động của mạng lưới cũng như tạo nền tảng vững chắc cho việc hợp tác với đối tác.
[Vì sao Bộ Công an phản đối hợp thức hoá condotel thành nhà ở?]
Hội nghị cũng cập nhật tình hình và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch COVID-19 tại các đô thị thành viên; trao đổi với đối tác ngoài mạng lưới về khả năng đóng góp sáng kiến trong cơ hội hợp tác chung để thúc đẩy hiện thực hóa đô thị thông minh.
Mạng lưới Đô thị thông minh ASEAN được thành lập từ năm 2018 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 tại Singapore nhằm xây dựng một diễn đàn hợp tác của các đô thị cùng chia sẻ những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và hướng đến phát triển bền vững.
Đến nay, Mạng lưới ASCN đã dần hoàn thiện về cơ chế tổ chức. Khung đô thị thông minh ASEAN đã xác định mục tiêu phát triển đô thị thông minh ASEAN, bao gồm: Tạo ra nền kinh tế cạnh tranh; môi trường bền vững; chất lượng cuộc sống cao.
Ngoài ra, mạng lưới đã thông qua điều khoản tham chiếu quy định về quy trình triển khai hoạt động chính, gồm: thúc đẩy đối thoại giữa các thành viên; cung cấp đầu vào chiến lược về sáng kiến đô thị thông minh; đề xuất giải pháp thực hiện; chia sẻ thực tiễn tốt về thúc đẩy đô thị thông minh; cung cấp mối quan hệ hợp tác với đối tác để xúc tiến xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy tiêu chuẩn thành phố thông minh phù hợp đặc điểm địa phương.
Trước đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 diễn ra tại Singapore trong năm 2018, sáng kiến về một Mạng lưới đô thị thông minh đã được đề xuất nhằm hỗ trợ Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025.
Theo đó, ASCN đã chính thức được thành lập với mục tiêu xây dựng một nền tảng hợp tác để các đô thị có thể chia sẻ những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và hướng đến phát triển bền vững.
Việt Nam có 3 đô thị tham gia ASCN là Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng./.