Hơn 36% người trưởng thành tại TP.HCM mắc hội chứng chuyển hóa

Kết quả cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa tăng dần theo độ tuổi và tình trạng thừa cân béo phì. Tuổi càng lớn và chỉ số khối cơ thể (BMI) càng cao, tỷ lệ mắc hội chứng này càng tăng.
Hơn 36% người trưởng thành tại TP.HCM mắc hội chứng chuyển hóa ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hơn 36% người trưởng thành tại Thành phố Hồ Chí Minh mắc các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, trong đó nữ mắc nhiều hơn nam. Thông tin vừa được công bố bởi một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trên 1.424 người từ 18 đến 69 tuổi đang sinh sống tại địa bàn Thành phố.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa tăng dần theo độ tuổi và tình trạng thừa cân béo phì. Tuổi càng lớn và chỉ số khối cơ thể (BMI) càng cao, tỷ lệ mắc hội chứng này càng tăng.

Cụ thể, ở nhóm từ 40-49 tuổi có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao gấp 5,1 lần; nhóm 50-59 tuổi cao gấp 7,3 lần và nhóm từ 60-69 tuổi cao gấp 10,8 lần so với nhóm 18-29 tuổi. Tuy nhiên, ở nhóm 18-29 tuổi, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa cũng chiếm gần 11%.

[Phát hiện đột phá trong điều trị bệnh béo phì và rối loạn chuyển hóa]

Liên quan đến cân nặng, nhóm người có chỉ số BMI từ 23-24,9 thì tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa là 36% và BMI ≥ 30 thì tỷ lệ mắc lên đến gần 72%.

Theo các bác sỹ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, hội chứng chuyển hóa là một tập hợp các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, bao gồm tình trạng rối loạn chuyển hóa, béo phì, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp.

Người mắc hội chứng này có nguy cơ bị bệnh đái tháo đường cao gấp 5 lần, nguy cơ tim mạch cao gấp ba lần và nguy cơ tử vong cao gấp hai lần so với người bình thường.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, hội chứng chuyển hóa đang gia tăng ở các nước đã, đang phát triển, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Nếu như năm 2001, tỷ lệ này tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là 12% thì sau 20 năm đã tăng lên hơn 36%. Điều này tạo nên gánh nặng bệnh tật, tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong.

Các bác sỹ khuyến cáo, mỗi người dân cần phòng bệnh cho chính bản thân, gia đình bằng cách duy trì cân nặng lý tưởng, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục