Hơn 350 triệu người tại châu Á-TBD có nguy cơ nghèo đói do COVID-19

COVID-19 đang khiến 1,9 tỷ người gặp khó khăn trong việc đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh và trong trường hợp xấu nhất, 828 triệu người có thể đối mặt với nạn đói nghiêm trọng do đại dịch.
Hơn 350 triệu người tại châu Á-TBD có nguy cơ nghèo đói do COVID-19 ảnh 1Người dân nhận nhu yếu phẩm cứu trợ. (Ảnh minh họa. THX/TTXVN)

Hơn 350 triệu người dân tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang rơi vào cảnh nghèo đói do đại dịch COVID-19 khiến họ bị cảnh thất nghiệp và giá lương thực tăng cao.

Cảnh báo trên được đề cập trong báo cáo công bố ngày 20/1 do Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp thực hiện.

Theo bốn cơ quan trên, đại dịch COVID-19 đang khiến 1,9 tỷ người gặp khó khăn trong việc đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh. Một báo cáo trước đó dự đoán trong trường hợp xấu nhất, 828 triệu người có thể đối mặt với nạn đói nghiêm trọng do đại dịch.

Báo cáo cho biết gần 688 triệu người trên toàn cầu bị suy dinh dưỡng, hơn một nửa trong số này ở các nước châu Á. Các nước Nam Á ghi nhận tỷ lệ người dân bị suy dinh dưỡng cao nhất, trong đó Afghanistan ở mức cứ 10 người thì có bốn người bị thiếu ăn.

Báo cáo này chủ yếu dựa trên những số liệu của năm 2019 trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng cũng ước tính thêm 140 triệu người có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2020 do tác động của các đợt bùng phát dịch COVID-19 và lệnh phong tỏa tại nhiều nước.

Các cơ quan của Liên hợp quốc ước tính đến cuối năm 2020, khoảng 265 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Theo báo cáo trên, một trong các tác nhân chính dẫn tới tình trạng này là nguồn cung lương thực cũng như giá cả leo thang. Đây là vấn đề chung của các nước giàu có như Nhật Bản và cả các nước nghèo hơn như Timor Leste và Papua New Guinea.

Sự gián đoạn nguồn cung và mất việc làm do đại dịch khiến nhiều hộ gia đình không đủ khả năng tài chính để chi trả cho nhu cầu tối thiểu hằng ngày. Điều này được phản ánh rõ qua hàng dài người xếp hàng tại những nơi phân phát thực phẩm miễn phí tại Mỹ.

[COVID-19 có thể đẩy thêm 207 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực]

Tại Ấn Độ, các chuỗi cung ứng bị phá vỡ và các vấn đề về vận chuyển, đặc biệt là trong thời gian phong tỏa do đại dịch, đã cản trở việc phân bổ lương thực dự trữ tới người dân.

Những người lao động thời vụ và người di cư là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, mặc dù Ấn Độ có một hệ thống phân phối công cộng khổng lồ cho phép 75% người dân ở nông thôn và một nửa số người sống ở thành phố được trợ cấp lương thực. Hệ thống này đã lỗi thời, do vậy nhiều người nghèo ở thành thị và những người di cư không thể tiếp cận với nguồn dự trữ này.

Trên khắp châu Á, giá trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa tăng cao đã khiến những hộ gia đình có thu nhập thấp không thể đảm bảo chế độ ăn lành mạnh.

Theo thống kê của FAO, giá thực phẩm đã tăng lên mức cao nhất trong gần sáu năm qua vào tháng 11/2020. Thay vào đó, nhiều người phải buộc phải tìm đến các thực phẩm không lành mạnh như đồ ăn chế biến sẵn, giá thành rẻ để sống qua ngày và điều này dẫn tới các vấn đề sức khỏe như, béo phì, tiểu đường.

Theo báo cáo, người dân tại Thái Lan, Lào, Bhutan và Indonesia đã phải chi nhiều tiền hơn cho các thực phẩm lành mạnh, ở mức 5 USD/ngày, trong khi con số này ở New Zealand và Australia là chưa đến 3 USD/ngày. Một chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng thường tốn từ 2-3 USD/ngày tại hầu hết các nước, cả nghèo lẫn giàu, nhưng lại tốn kém hơn tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hậu quả của tình trạng thiếu dinh dưỡng lâu dài thể hiện ở tỷ lệ tử vong và bệnh tật cao hơn. Báo cáo chỉ rõ hàng chục triệu trẻ em thể gầy còm hoặc thấp còi và không thể phát huy khả năng của mình.

Theo báo cáo, năm trong số 45 quốc gia cần hỗ trợ lương thực gồm Bangladesh, Afghanistan, Pakistan, Triều Tiên và Myanmar.

Báo cáo cũng hối thúc các chính phủ chuyển đổi hệ thống lương thực để đảm bảo tất cả đều có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo người dân được chăm sóc sức khỏe, sử dụng nguồn nước sạch, được hưởng giáo dục và an sinh xã hội tốt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục