Báo cáo kinh tế - xã hội quý 1 của Tổng cục Thống kê cho thấy, dòng vốn đầu tư chảy vào nền kinh tế trong các tháng đầu năm có những diễn biến tích cực.
[Thành phố Hồ Chí Minh thu hút 1,28 tỷ USD vốn FDI trong quý 1]
Theo đó, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong quý đạt 331.200 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ và bằng 32,2% GDP.
Cụ thể, vốn khu vực Nhà nước đạt 104.600 tỷ đồng, khu vực ngoài Nhà nước đạt 138.800 tỷ đồng và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 87.800 tỷ đồng, tăng tương ứng 4,4%, 4,4% và 8,1% so với cùng kỳ.
Để đạt được những kết quả khả quan như trên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê “các bộ, ngành, địa phương đã tập trung hoàn thành công tác phân bổ dự toán đầu năm nguồn vốn đầu tư công đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chuyển tiếp, công trình trọng điểm.”
Báo cáo cho thấy, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện trong quý đã có mức tăng khá, đạt 48.700 tỷ đồng và bằng 14,4% kế hoạch năm và tăng 9,2% so với quý 1/2017.
Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (đến thời điểm 20/3) đăng ký đạt 3,91 tỷ USD, giảm 43% so với cùng kỳ song vốn thực hiện đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Ngoài ra, vốn góp và mua cổ phần của khối ngoại lên tới 1,89 tỷ USD và tăng 121,6% so với cùng kỳ. [Tỷ giá VCB ngày 30/3/2018: 22.750 VND/USD]
Điểm đáng nói, xu hướng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài có xu hướng gia tăng, tính chung tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 149,5 triệu USD, (trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105 triệu USD, chiếm 70,2% tổng vốn, ông nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,9 triệu USD, chiếm 13,3% và hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 12 triệu USD, chiếm 8% và bán buôn, bán lẻ đạt 8,5 triệu USD, chiếm 5,7%).
Hiện, Lào là quốc gia thu hút vốn đầu tư của Việt Nam lớn nhất, chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư, kế đến là Campuchia chiếm 17,3%, Cuba chiếm 13,3% và Australia chiếm 8%./.