Ngày 12/5/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 3241.UBND-TD về việc xử lý đơn của các hộ dân tại khu vực Ngã ba Finôm, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng.
Sau hơn 30 năm mua nhà của Nhà nước, 9 hộ dân nguyên là cán bộ ngành Thương nghiệp Lâm Đồng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp.
Bà Lê Thị Thúy Bài, 64 tuổi, nguyên là Cửa hàng trưởng Cửa hàng Công nghệ thực phẩm Ngã ba Finôm, thuộc Công ty Thương nghiệp tổng hợp huyện Đức Trọng từ năm 1986 đến năm 2002 kể lại: 9 hộ dân này nguyên là nhân viên bán hàng của Cửa hàng từ những năm 1980.
Đến năm 1992, thực hiện đổi mới kinh tế, Công ty thương nghiệp tổng hợp huyện Đức Trọng đổi tên thành Công ty Thương mại I Lâm Đồng đã vận động nhân viên đóng góp vốn xây dựng khu kiốt này để kinh doanh. Theo đó, mỗi nhân viên đầu tư trên 9,2 triệu đồng để xây dựng được 11 kiốt. Sau đó 9 nhân viên góp vốn xây dựng được thuê các kiốt trên để kinh doanh lâu dài.
Đến tháng 6/2002, thực hiện Nghị định 61-CP của Chính phủ về "Bán nhà cho người đang thuê thực thuộc sở hữu nhà nước," Công ty Cổ phần thương mại Lâm Đồng (đổi tên từ Công ty Thương mại I Lâm Đồng năm 2002) đã lập 9 hợp đồng, bán 11 kiốt trên đất cho 9 nhân viên Công ty với giá 30 triệu đồng/kiốt, cộng thêm quyền sử dụng diện tích đất phía sau của mỗi kiốt với giá 10 triệu đồng.
Trong hợp đồng mua bán, Công ty Thương nghiệp Đức Trọng khi đó thuộc sở hữu nhà nước đã cam kết lập văn bản trả đất cho Nhà nước và tạo điều kiện để các hộ trên liên hệ với các cấp có thẩm quyền làm thủ tục giao quyền sử dụng đất hợp pháp.
Sau đó, các hộ trên đã đầu tư, xây dựng kiốt này thành những căn nhà kiên cố, sử dụng cho mục đích vừa ở, vừa kinh doanh.
[Vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai: Cấp thiết bịt lỗ hổng]
Năm 2002, Công ty Thương nghiệp tổng hợp Đức Trọng đã có công văn số 107/CPTM, đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh thu hồi diện tích của 11 kiốt và nhà ở phía sau để hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho các hộ là cán bộ công nhân viên của Công ty đã mua tài sản trên đất.
Năm 2005, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 3355/QĐ-UBND, thu hồi diện tích nêu trên và giao cho Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng quản lý để làm thủ tục giao quyền sử dụng đất cho 9 hộ trên.
Nguồn gốc nhà đất của 9 hộ trên là hoàn toàn hợp pháp, nhưng đã hơn 20 năm qua, dù các hộ nhiều lần làm đơn kiến nghị, nhưng các cấp có thẩm quyền vẫn chưa làm thủ tục giao đất cho 9 hộ dân trên.
Cụ thể ngày 21/9/2010, sau khi có đơn đề nghị của các hộ dân, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng đã có tờ trình số 107/TTr-UBND gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất với 9 hộ dân này.
Sở Tài Nguyên và Môi trường Lâm Đồng trả lời: Từ năm 2004, các hộ này đã có đơn kiến nghị được hợp thức hóa quyền sử dụng đất với diện tích trên.
Tuy nhiên khi đó, do diện tích này thuộc khu vực quy hoạch Trung tâm thương mại Finôm, nên nguyện vọng của 9 hộ này không được chấp thuận.
Sau đó, quy hoạch này không triển khai nữa nên Sở đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh có văn bản đồng ý chủ trương cho phép Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng giao đất có thu tiền của 9 hộ này và Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản giao Ủy ban Nhân dân huyện lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại khu vực này cho phù hợp.
7 năm sau đó, 9 hộ dân tiếp tục gửi đơn và ngày 31/3/2017, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng lại có văn bản trả lời đơn của 9 hộ dân là khu đất trên thuộc quy hoạch đất dịch vụ công cộng đô thị Finôm-Thạnh Mỹ, theo quy hoạch của Sở Xây dựng Lâm Đồng, nên kiến nghị của 9 hộ dân trên chưa thể xem xét.
Ngày 10/5/2022, phóng viên TTXVN đã làm việc với ông Lê Nguyên Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng về nội dung trên.
Ông Hoàng cho biết: Ngày 31/3/2022, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng có báo cáo số 134/BC-UBND gửi UBND tỉnh. Nội dung báo cáo nêu rõ: Qua kiểm tra cho thấy ngày 25/3/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 637/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung đô thị Finôm-Thạnh Mỹ.
Quy hoạch này cho thấy diện tích đất của 9 hộ trên thuộc quy hoạch đất ở. Do đó có cơ sở để xem xét giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất của 9 hộ mua tài sản trên đất đã nêu trên...
Từ báo cáo này, ngày 12/5/2022 Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 3241, giao Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở kiến nghị của Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng, căn cứ quy định của pháp luật báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh hướng xử lý...
Bà Hoàng Thị Lực Hoa, là 1 trong 9 nhân viên của Công ty Thương nghiệp tổng hợp Đức Trọng đã mua 1 kiốt trên cho biết: "Vào thời điểm đó, khu vực này khá hoang vắng, đất đai có giá trị thấp. Với số tiền 40 triệu đồng thời giá năm 2001, chúng tôi có thể mua vài trăm mét vuông đất mặt đường ở khu vực này và được giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dễ dàng. Tuy nhiên, do tin tưởng việc mua nhà của Nhà nước sẽ thuận lợi khi làm các thủ tục giấy tờ, hơn nữa chúng tôi kinh doanh hơn 10 năm, đã quen khách tại các kiốt này rồi nên không muốn thay đổi địa điểm buôn bán làm ăn mà quyết định mua nhà của Nhà nước. Nhưng nguyện vọng được cấp quyền sử dụng đất của chúng tôi sau hơn 30 năm vẫn chưa được thực hiện. Hiện chúng tôi chỉ có duy nhất căn nhà này để vừa ở, vừa kinh doanh. Khu vực này đã được quy hoạch đất ở, không có vướng mắc gì tới các quy hoạch khác của Nhà nước, nên chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thu tiền cho chúng tôi theo quy định..."./.