Sau hơn 3 năm đẩy mạnh giải quyết chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên cả nước theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022), rất nhiều tiền của, sức lực đã được cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường cùng với các địa phương nỗ lực tuyên truyền, triển khai, song đến nay chất thải rắn sinh hoạt vẫn ngổn ngang.
Nhiều nơi thậm chí còn không có sự thay đổi khi rác thải bủa vây khắp khu dân cư, đổ trộm tràn lan ngoài đường, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Sự "thất bại" trong công cuộc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên cũng đã được đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường thừa nhận khi chỉ ra một loạt vướng mắc, bất cập từ chính sách tới thực tiễn.
Rác thải ngổn ngang, bế tắc xử lý
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, các hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền đến 1 triệu đồng.
Thế nhưng, thực tế hiện nay tại nhiều địa phương, việc phân loại rác thải tại nguồn vẫn còn là “khoảng trống” xa vời. Đơn cử như tại khu vực Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), tình trạng đổ rác thải ven đường luôn là vấn đề nhức nhối, dù có những lần báo chí phản ánh, chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xử lý, song cũng chỉ một thời gian sau đó, rác thải lại “như biết bò” tràn ra đường, thậm chí chắn cả lối đi.

Hà Nội tìm giải pháp xử lý các vấn đề cấp bách trong bảo vệ môi trường
Hà Nội đặt quyết tâm tháng 9/2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ bổ cập nước sông Tô Lịch; đồng thời hiện đại hóa thu gom rác thải, thí điểm phân loại rác tại nguồn tại 5 quận nội thành.
Ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus trong suốt nhiều ngày đầu tháng 4/2025, cho thấy tình trạng đổ trộm rác thải từ rác thải rắn sinh hoạt đến rác thải nguy hại vẫn tiếp tục xuất hiện ven đường, trước khu vực cổng Trường phổ thông liên cấp Ngôi sao Hà Nội cơ sở Hoàng Mai thuộc Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ.
Nhìn nhận rộng ra cả nước, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết theo thống kê, mỗi ngày cả nước phát sinh 67.877 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó tại khu vực đô thị phát sinh 38.143 tấn/ngày.
Điều đáng nói là phần lớn chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị chưa được phân loại tại nguồn. Trong khi việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt đang nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập, như: Thiếu hướng dẫn liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chưa có sự đa dạng trong công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thiếu sự đồng bộ của các khâu trong quản lý chất thải, nên khó có thể thúc đẩy việc phân loại một cách hiệu quả.

“Nếu phân loại rác xong lại xử lý chung thì việc phân loại không có nhiều ý nghĩa,” ông Thọ trăn trở và cho biết hiện nay cũng chưa có ngành công nghiệp tái chế chất thải rắn sinh hoạt chính thức, hiện đại; việc thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa phổ biến; ngân sách dành cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn khó khăn ở nhiều địa phương, khó thu hút các doanh nghiệp với công nghệ hiện đại.
Ngoài ra, ông Thọ cũng cho biết một số khó khăn đối với doanh nghiệp tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt, như: Chưa có khung pháp lý rõ ràng cho tài chính xanh, danh mục phân loại xanh, chưa có các ưu đãi cho những công ty phát hành trái phiếu xanh; cơ chế hỗ trợ phát triển dự án phát điện từ chất thải rắn còn bất cập.
Việc tổ chức lựa chọn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế, chưa được công khai, minh bạch, tạo sự công bằng…
Các chiến lược trong tương lai
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đình Thọ đưa ra khuyến nghị đối với Bộ Nông nghiệp và Môi trường là cần phải xây dựng, ban hành Thông tư về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, chất thải sinh hoạt sau phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
Cùng với đó, bộ cũng cần xây dựng, ban hành Thông tư về PPP trong đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bãi chôn lấp chất thải rắn; hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…

Đối với bộ, ngành, ông Thọ cho rằng Bộ Công Thương cần rà soát, đánh giá chỉnh sửa, bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển dự án phát điện từ chất thải rắn; Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tập trung, bố trí nguồn vốn phù hợp để cho vay ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư thực hiện dự án thuộc danh mục phân loại xanh.
Tương tự, Bộ Tài chính cần tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ lãi suất đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh sau khi kết thúc hợp đồng vay vốn trung, dài hạn; cũng như hướng dẫn phân loại dự án thuộc danh mục phân loại xanh để tổng hợp trong danh mục đầu tư công khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm làm căn cứ để Chính phủ, chính quyền địa phương lựa chọn khi phát hành trái phiếu xanh.
Ông Thọ cũng khuyến nghị ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phương án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong quy hoạch tỉnh, trong đó đưa ra phương án phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; công bố công khai, minh bạch đến các doanh nghiệp quản lý chất thải.
Các địa phương cần ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định giá cụ thể, hình thức thu, mức phí đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải; mức giá xử lý cần khuyến khích các công nghệ hiện đại, hạn chế chôn lấp, thu hồi năng lượng.
“Ngoài ra, cần kiện toàn và phát triển quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh với vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng, để có nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn,” ông Thọ nói./.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu