Hơn 280 tỷ đồng đầu tư cho các dự án về du lịch tại Nam Định

Trong 3 năm (2015-2018), từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch Trung ương, tỉnh và các doanh nghiệp đầu tư hơn 280 tỷ đồng cho du lịch; trong đó có nâng cấp cơ sở vật chất.
Xếp hàng từ rất sớm để xin lộc ấn tại đền Trần ở tỉnh Nam Định. )Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tỉnh Nam Định có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch, thu hút du khách, nhưng thực tế cho thấy, sản phẩm du lịch của tỉnh này còn đơn điệu, thiếu điểm nhấn, khả năng liên kết sản phẩm du lịch đặc thù địa phương với các tỉnh, thành phố trong khu vực trên hành trình tour, tuyến hạn chế.

Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473, ngày 30/12/2011, tỉnh Nam Định tập trung triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, định hướng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch chủ yếu dựa trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Đánh thức tiềm năng

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có hơn 1.330 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là: Khu di tích Đền Trần-chùa Phổ Minh ở thành phố Nam Định; và chùa Keo Hành Thiện ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường.

Nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như Quần thể di tích văn hóa Trần, Phủ Dầy, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, chùa Cổ Lễ, cầu Ngói.

Trên địa bàn tỉnh còn có hơn 400 nhà thờ Thiên Chúa giáo tập trung nhiều ở các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Các nhà thờ mang những nét kiến trúc độc đáo, là những điểm đến thú vị cho du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh các di tích, danh thắng, tỉnh Nam Định còn có trên 90 làng nghề truyền thống, trong đó nhiều làng nghề nổi tiếng như đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên ở huyện Ý Yên, ươm tơ Cổ Chất thuộc huyện Trực Ninh, làng nghề trồng hoa cây cảnh nổi tiếng cả nước Vị Khê tại huyện Nam Trực…

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 lễ hội truyền thống như hội chợ Viềng Xuân, lễ hội đền Trần, Phủ Dầy, hội chùa Keo Hành Thiện, thu hút đông đảo khách thập phương.

Với bờ biển dài 72km, Nam Định đã bước đầu hình thành các khu du lịch biển hấp dẫn như Thịnh Long (huyện Hải Hậu), Quất Lâm (huyện Giao Thủy). Đặc biệt, Vườn Quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy) với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di trú là điểm Ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á trở thành điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn.

Hơn nữa, những làng quê trù phú, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa mang nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước sông Hồng là nguồn tài nguyên để phát triển loại hình du lịch “du khảo đồng quê”…

Rất đông du khách từ khắp các tỉnh thành đến chợ Viềng phủ tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. (Ảnh Công Luật/TTXVN)

Mặc dù “chất liệu” tạo nên sự đa dạng cho du lịch Nam Định khá phong phú, nhưng lượng khách đến các điểm tham quan của tỉnh chưa cao, số khách sử dụng dịch vụ lưu trú, mức chi tiêu của khách thấp, đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế địa phương ở mức khiêm tốn.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, tổng lượng khách tới các điểm tham quan, du lịch của tỉnh năm 2015 là 2.175.000 lượt người, sau 3 năm con số này chỉ tăng thêm 372.000 lượt người (năm 2018 là 2.547.000 lượt người). Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượng khách du lịch đến Nam Định trong giai đoạn 2015-2018 đạt 5,4%; trong đó, khách quốc tế chiếm dưới 1% tổng lượng khách đến Nam Định.

Năm 2018, lượng khách lưu trú qua đêm tại Nam Định đạt 649.700 lượt người. Du khách đến Nam Định chủ yếu là du lịch lễ hội, tham quan, số ngày lưu trú thấp, trung bình từ 1-1,5 ngày. Mức chi tiêu của du khách cho các sản phẩm dịch vụ trên 100.000 đồng/người/ngày. Thu nhập từ du lịch của Nam Định năm 2018 đạt 736 tỷ đồng, cao sơn 216 tỷ đồng so với năm 2015.

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định nhìn nhận, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch còn yếu song chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực.

Các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa cao. Các sản phẩm du lịch chủ yếu của tỉnh như du lịch văn hóa tâm linh lễ hội, du lịch biển chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố mùa vụ, nên lượng khách thiếu ổn định, chủ yếu là khách nội địa, khả năng chi trả thấp. Sản phẩm du lịch khai thác ở dạng tự nhiên, thiếu sức hút với khách du lịch…

Từ thực tế đó, để tạo sức hút cho du lịch, thời gian tới Nam Định hoàn thiện quy hoạch và quản lý quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Tỉnh tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp phục vụ khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao.

Trên cơ sở khai thác, phát huy tài nguyên du lịch, Nam Định từng bước hình thành những sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Thành phố Nam Định giữ vai trò trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có những thiết chế văn hóa, công trình dịch vụ như Bảo tàng, Cung thể thao, Nhà hát 3-2. Do đó, Nam Định cũng chú trọng khai thác loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), du lịch thể thao.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương, cơ sở đào tạo của Trung ương, của tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho nhân viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho biết, năm 2020 tỉnh đặt mục tiêu thu hút khoảng 2,7 triệu lượt khách du lịch. Trong giai đoạn 2020-2025, Nam Định phấn đấu thu hút khách du lịch với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 5,3-5,5%; tốc độ tăng trưởng bình quân về thu nhập du lịch của tỉnh đạt trên 12%.

[Lễ hội Phủ Dầy gắn với bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu]

Trong 3 năm (2015-2018), từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch của Trung ương, Nam Định đã đầu tư hơn 54 tỷ đồng thực hiện các dự án: Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu vực quần thể Phủ Dầy, chợ Viềng (huyện Vụ Bản) và nâng cấp mở rộng đường khu du lịch biển Thịnh Long (huyện Hải Hậu). Cùng với nguồn vốn từ chương trình mục tiêu du lịch, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã đầu tư gần 228 tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hiện Nam Định có trên 670 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; trong đó trên 400 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với hơn 5.450 phòng. Toàn tỉnh có 24 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành (một doanh nghiệp lữ hành quốc tế). Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách và phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội tổ chức tại Nam Định.

Các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, du lịch, đại diện hãng lữ hành khi về khảo sát tiềm năng, thế mạnh du lịch Nam Định đều khẳng định: Du lịch phát triển tác động tích cực đối với sự thay đổi diện mạo hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao nhận thức về văn hóa, du lịch, môi trường của cộng đồng, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội đất nước và địa phương.

Tiến sỹ Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng, cùng với những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, các yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội là tiền đề thuận lợi để Nam Định hình thành hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với các sản phẩm du lịch vật thể và phi vật thể.

Nam Định cần có các giải pháp tổng thể về cơ chế, chính sách để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch; tạo sự liên kết vùng trong phát triển du lịch; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Tại Nam Định cùng lúc tồn tại và phát triển nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, là những yếu tố cơ bản, nét riêng biệt để phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh địa phương.

Tuy vậy, phải đổi mới cách thức tổ chức, không nên chỉ dừng lại ở hoạt động hành hương, chiêm bái, tham quan các di tích, điểm đến, mà cần tạo ra các hoạt động ý nghĩa, tạo ấn tượng và mang lại những trải nghiệm văn hóa sâu sắc cho du khách.

Nam Định nằm trong vùng lõi của nền văn mình lúa nước sông Hồng với đầy đủ đặc trưng về văn hóa, lối sống, phong cảnh của miền quê Bắc Bộ trù phú, nên rất phù hợp để khai thác và phát triển mạnh loại hình du lịch “du khảo đồng quê” gắn với mô hình lưu trú homestay.

Nam Định có thể xây dựng tour, tuyến du lịch, điểm đến giúp du khách, nhất là khách nước ngoài được hòa mình vào không gian văn hóa còn nguyên sơ, đậm chất nông thôn với các hoạt động như đạp xe quanh làng vào buổi sáng, khi chiều tà; ngắm những cánh đồng lúa ngút ngàn hay dừng chân dưới gốc đa, bến nước đầu làng để quan sát, trải nghiệm cuộc sống nơi vùng quê; trực tiếp sinh hoạt, làm việc cùng bà con nông dân... Đây là loại hình, sản phẩm du lịch có vốn đầu tư không lớn song lại khá triển vọng, cần được quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng những người tham gia vào mô hình du lịch này có tư tưởng làm ăn “chộp giật,” nâng giá hàng hóa, dịch vụ “chặt chém” du khách.

“Chỉ khi cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế; đồng thời tạo được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn mang đặc thù của địa phương, có sự liên kết thì du lịch Nam Định sẽ phát triển vững chắc,” tiến sỹ Phạm Lê Thảo nhấn mạnh../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục