Hơn 28 triệu việc làm ở ASEAN có thể bị ảnh hưởng trong 10 năm tới

Theo báo cáo của Tập đoàn Cisco ở WEF ASEAN 2018, nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của Cách mạng 4.0 là Singapore với 21%, tương đương khoảng 500.000 việc làm
Ông Naveen Menon, Chủ tịch Tập đoàn Cisco khu vực ASEAN phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), chiều 12/9, tại Hà Nội, Tập đoàn Cisco đã công bố Báo cáo nghiên cứu “Công nghệ và Tương lai việc làm ASEAN” nghiên cứu tác động của trí tuệ nhân tạo tới việc làm của 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. Theo đó, trong vòng 10 năm tới, các quốc gia này có khả năng bị ảnh hưởng lớn về cơ hội việc làm...

Ông Naveen Menon, Chủ tịch Cisco khu vực Đông Nam Á cho biết ASEAN có 630 triệu dân; 90% trong số này có tiếp cận với internet. Đến năm 2020-2022, khu vực này sẽ có những đổi mới, sáng tạo, đột phá về công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo, từ đó sẽ có những việc làm mới được tạo ra. Những công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo sẽ khiến kỹ năng lao động phổ thông trở nên dư thừa trong tương lai. Người lao động kỹ năng thấp sẽ chịu rủi ro lớn nhất; trong đó lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là ngành dịch vụ, nông nghiệp.

[ASEAN tiếp tục xây dựng thể chế, phát triển năng lực con người]

Theo đánh giá từ Báo cáo nghiên cứu trên, nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là Singapore với 21%, tương đương khoảng 500.000 việc làm; Indonesia có 8%, tương đương 9,5 triệu việc làm; Malaysia là 7,4%, tương đương 1,2 triệu việc làm; Philippines là 10,1% với 4,5 triệu việc làm; Thái Lan là 11,9% với 4,9 triệu việc làm. Con số này ở Việt Nam là 13,8% tương đương 7,5 triệu việc làm. Một số lĩnh vực đòi hỏi nguồn lao động lớn sắp tới bao gồm: Bán sỉ và lẻ (1,8 triệu việc làm mới); sản xuất (0,9 triệu việc làm), xây dựng (0,9 triệu việc làm) và phương tiện đi lại (0,7 triệu việc làm).

Trong số 28 triệu việc làm bị ảnh hưởng trong vòng 10 năm tới, có 6,6 triệu việc làm cần được đào tạo thêm các kỹ năng mới như giải quyết vấn đề, tư duy thiết kế, giải quyết xung đột..., giúp người lao động linh hoạt hơn, đáp ứng được thị trường lao động phát triển không ngừng.

Để lực lượng lao động có những kỹ năng này, theo ông Naveen Menon, các quốc gia cần có chương trình giáo dục phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đào tạo lại kỹ năng.

Các bên liên quan gồm: doanh nghiệp, chính phủ và cơ sở giáo dục cần hợp tác nhằm đảm bảo nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại và tương lai.

Ông Naveen Menon cho rằng, trong tương lai kỹ thuật số, nơi mọi người có quyền truy cập vào cùng một dữ liệu và thông tin, những kỹ năng này sẽ là điểm khác biệt chính của lực lượng lao động.

Đưa ra lời khuyên với những nhà đầu tư muốn vào Việt Nam, bà Lương Thủy, Giám đốc Cisco Việt Nam cho rằng, như các nền kinh tế trong khu vực, Việt Nam không nằm ngoài những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bà Lương Thủy nhận thấy,Việt Nam hiện vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài bởi một trong những lý do, chi phí lao động còn thấp. Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam là đa số lao động là phổ thông, không có nhiều kỹ năng. Lợi thế về chi phí nhân công rẻ của Việt Nam sau 10 năm sẽ không còn. Do đó, Việt Nam cần có giải pháp để đào tạo kỹ năng cho lao động để có thể vượt qua được những thách thức này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục