Hơn 2.400 phạm nhân được đặc xá trong dịp Quốc khánh 2/9

Công tác đặc xá được tiến hành theo quy trình hết sức chặt chẽ, công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, đúng điều kiện theo Quyết định của Chủ tịch nước.
Các công dân sau khi được đặc xá trước thời hạn, vui mừng khi được gặp người thân. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Dịp Quốc khánh năm 2022, theo quyết định của Chủ tịch nước, hơn 2.400 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được đặc xá. Đây là những phạm nhân được hưởng chính sách khoan hồng, trở về đoàn tụ với gia đình, làm lại cuộc đời.

Mỗi phạm nhân có những lỗi lầm khác nhau trong quá khứ, những mảnh đời khác nhau, số phận cũng không giống nhau, nhưng đều có chung một khao khát hướng thiện và ước mơ về ngày trở lại.

Không giống những sự trở về khác, con đường về lại với cộng đồng của những phạm nhân được đặc xá mang nhiều cảm xúc, với hy vọng hoàn lương, không lặp lại lỗi lầm.

Bộ Công an cho biết, qua theo dõi, phần lớn các trường hợp đặc xá trở về nơi cư trú đều làm ăn lương thiện. Tỷ lệ người đặc xá tái phạm tội chỉ chiếm 0,06% tổng số người được đặc xá. Chính vì vậy, năm 2022, Chủ tịch nước quyết định tiếp tục đặc xá để thể hiện chính sách khoan hồng.

Thiếu tướng Hoàng Xuân Du, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10, Bộ Công an) cho biết thời gian qua, công tác đặc xá được tiến hành theo quy trình hết sức chặt chẽ, công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, đúng điều kiện theo Quyết định của Chủ tịch nước.

[Công bố quyết định đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam]

Hồ sơ đề nghị đặc xá trải qua quá trình kiểm tra, thẩm định của nhiều cấp, với sự tham gia của các ban, ngành chức năng, đặc biệt là sự giám sát của Viện Kiểm sát cũng như của các tổ chức, nhân dân; hạn chế thấp nhất việc xảy ra sót lọt và tiêu cực.

Năm 2021-2022 là hai năm liên tiếp Chủ tịch nước quyết định đặc xá. Năm 2021 thực hiện lần đầu tiên sau khi Luật Đặc xá năm 2018 có hiệu lực, năm 2022 là lần thứ 2 triển khai.

Theo Thiếu tướng Hoàng Xuân Du, những vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong quá trình thực hiện Luật năm 2007, Luật năm 2018 giải quyết triệt để hơn, việc thực hiện quy trình, nền nếp hơn. Năm 2021 chúng ta thực hiện đặc xá trong bối cảnh tình hình COVID-19 hết sức phức tạp, việc triển khai thực hiện đặc xá hết sức khó khăn. Năm 2022, chúng ta thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tạo thuận lợi cho người dân khi đi xin văn bản, giấy tờ, chứng từ chứng thực bổ sung cho người thân của họ...

Cùng với đó, sự chỉ đạo của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Chính phủ, Hội đồng Tư vấn đặc xá, các văn bản chỉ đạo được ban hành kịp thời. Thủ tướng Chính phủ có công điện ngay sau khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn đặc xá. Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu các bộ, ban, ngành, nhất là Bộ Công an triển khai.

So với những lần đặc xá trước đây, đặc xá năm 2022 có nhiều điểm mới. Thiếu tướng Hoàng Xuân Du cho biết, so với đặc xá năm 2021, Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2022 bổ sung thêm một số trường hợp không được đề nghị đặc xá gồm ngoài các trường hợp phạm tội giết người có tổ chức, hoặc có tính chất côn đồ thì trường hợp phạm tội giết người với hành vi phạm tội một cách man rợ cũng không được đề nghị đặc xá.

Đặc xá năm 2021 chỉ quy định những trường hợp phạm tội hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân (theo Bộ luật Hình sự năm 1999), hoặc hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tính chất loạn luân, hoặc hiếp dâm người dưới 10 tuổi thì không được đề nghị đặc xá. Nhưng đặc xá năm 2022 quy định tất cả các trường hợp phạm tội hiếp dâm trẻ em (theo Bộ luật Hình sự năm 2015 - sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc hiếp dâm người dưới 16 tuổi đều không được đề nghị đặc xá.

Đặc xá năm 2021 chỉ quy định những phạm nhân đã từng bị kết án phạt tù, kể cả trường hợp đã được xóa án tích hoặc từng bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, kể cả cơ sở giáo dục trước đây mà đã phạm tội: Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (theo Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc mua bán người dưới 16 tuổi, hoặc đánh tráo người dưới 1 tuổi, hoặc chiếm đoạt người dưới 16 tuổi đều không được đặc xá…

Điểm khác nữa cũng là quy định rất chặt chẽ trong công tác đặc xá năm nay, đó là tất cả các phạm nhân được đề nghị đặc xá phải chấp hành khá, tốt ngay từ khi mới đến chấp hành án tại trại thì mới được đưa vào đối tượng xem xét đề nghị đặc xá và phải thi hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, phạt tiền, án phí dân sự mới được xem xét đề nghị đặc xá.

Cấp căn cước công dân gắn chíp cho phạm nhân

Một trong những điểm mới nữa về đặc xá năm 2022, đó là lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng phối hợp với các đơn vị chức năng cấp căn cước công dân gắn chíp cho phạm nhân ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ được đề nghị đặc xá năm 2022 theo quyết định của Chủ tịch nước.

Thượng tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Tại Công an các tỉnh, lực lượng Công an đã tập trung lực lượng, khẩn trương rà soát, cập nhật thông tin từng trường hợp đảm bảo chính xác, đồng thời tổ chức thu nhận hồ sơ căn cước công dân theo quy định.

Để đảm bảo tiến độ cấp căn cước công dân cho các phạm nhân được đặc xá, tha tù dịp 2/9, Công an nhiều đơn vị, địa phương đã tranh thủ ngày nghỉ lễ 19/8, thứ Bảy, Chủ nhật đến các trại giam, trại tạm giam để thu thập dữ liệu căn cước công dân.

Hiện nay, Bộ Công an đã nâng cấp phần mềm và yêu cầu các đơn vị cập nhật phần mềm mở để có thể thu nhận được tất cả dữ liệu của các phạm nhân được đề nghị đặc xá, tha tù đợt này. Chính vì vậy, dù là công dân của địa phương nào thì khi thi hành án trên địa bàn các tỉnh, thành phố cũng được thu thập dữ liệu để làm căn cước công dân.

Bên cạnh đó, để giúp đỡ những người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo các trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức các lớp chuẩn bị hòa nhập cộng đồng cho những phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, trang bị những kiến thức cơ bản cho phạm nhân, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Qua đó, phạm nhân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là những chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội; những quy định của pháp luật về tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và đặc xá đối với phạm nhân; hướng dẫn về Luật Cư trú, Luật Hộ tịch và những vấn đề có liên quan đến cấp thẻ căn cước công dân, dịch vụ công điện tử…

Các trại giam cũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tuyên truyền cho phạm nhân về Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các quy định có liên quan; tình hình dịch COVID-19 và một số dịch bệnh đang diễn ra phổ biến, như bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; trang bị cho phạm nhân những kiến thức, kỹ năng sống cơ bản để khi được đặc xá trở về cộng đồng sẽ xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Ngoài ra, các cán bộ cũng nói chuyện thời sự về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và một số địa phương, để sau khi trở về cộng đồng, các phạm nhân không bỡ ngỡ…

Công an các đơn vị, địa phương cũng chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá trở về cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục