Theo báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 25/8, các cuộc tấn công bạo lực liên quan đến nhóm Hồi giáo cực đoán Boko Haram tại vùng lòng chảo Hồ Sát (bao gồm các quốc gia Nigeria, Cameroon, Chad và Niger) trong mấy năm qua đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ, khiến 1,4 triệu trẻ em thiệt mạng và ít nhất 1 triệu em đang bị kẹt ở những vùng mà các tổ chức cứu trợ quốc tế khó có thể đến được.
Được công bố trước thềm Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về người tị nạn và người di cư diễn ra vào ngày 19/9 tới đây, báo cáo có tên "Những đứa trẻ được phát triển, Những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau" thống kê những tác động của các hoạt động khủng bố liên quan đến nhóm Boko Haram đối với trẻ em tại các quốc gia ở vùng lòng chảo Hồ Sát.
Báo cáo lưu ý, bên cạnh 2,6 triệu người hiện bị mất nhà cửa, có đến 2,2 triệu người - trong đó hơn một nửa là trẻ em - đang bị mắc kẹt trong những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Boko Haram và cần được viện trợ nhân đạo.
Báo cáo cũng nhấn mạnh số liệu là tính từ đầu năm đến nay, có khoảng 38 trẻ em bị bắt phải thực hiên các cuộc tấn công liều chết, nâng tổng số em bị biến thành kẻ đánh bom liều chết lên con số 86 em tính từ năm 2014.
Cũng theo báo cáo, trong năm nay sẽ có tổng cộng 475.000 trẻ em sinh sống tại khu vực này bị suy dinh dưỡng trầm trọng, tăng so với con số 175.000 em hồi đầu năm, và chỉ riêng ở Nigeria, có khoảng 20.000 em bị ly tán với gia đình của mình.
UNICEF hiện đang phối hợp với các đối tác để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho trẻ em và gia đình của các em tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột.
Tính từ đầu năm đến nay, đã có gần 170.000 em được hỗ trợ về tâm lý, gần 100.000 em được điều trị chứng suy dinh dưỡng trầm trọng và hơn 100.000 em đã tham gia các chương trình dạy học.
Tuy nhiên, UNICEF mới chỉ nhận được 13% trong tổng số 308 triệu USD mà tổ chức này cần để có thể hỗ trợ những gia đình bị ảnh hưởng bởi các vụ bạo lực do nhóm Boko Haram tiến hành tại vùng lòng chảo Hồ Sát.
Ông Manuel Fontaine, Giám đốc khu vực Tây và Trung Phi của UNICEF, cho biết đối tượng chính bị tổn thương do cuộc khủng hoảng tại vùng lòng chảo Hồ Sát là trẻ em và đây sẽ là vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về người tị nạn và người di cư tới đây.
Kể từ khi bắt đầu cuộc đấu tranh vũ trang hồi năm 2009 đòi thành lập một nhà nước Hồi giáo ở khu vực miền Bắc Nigeria, Boko Haram đã trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với toàn bộ vùng lòng chảo Hồ Sát.
Các cuộc tấn công bạo lực liên quan tới nhóm này đã làm hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người bị mất nhà ở.
Theo số liệu của các nhóm nhân quyền, hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái đã bị nhóm này bắt cóc.
Nhiều nạn nhân đã trở thành nô lệ tình dục và các phần tử đánh bom liều chết.
Ngoài ra, nhiều đàn ông và nam thanh niên đã bị ép buộc gia nhập nhóm Hồi giáo cực đoan này./.