Ngày 21/12, Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) công bố số liệu thống kê cho thấy số người di cư thiệt mạng và mất tích trên vùng biển Địa Trung Hải tính từ đầu năm tới ngày 19/12 là 2.242 người, mức cao nhất trên toàn thế giới.
IOM cũng cho biết tổng số người thiệt mạng và mất tích trên tất cả các tuyến đường di cư trên toàn thế giới trong năm 2018 là 4.503 người.
Phát biểu tại một cuộc họp sơ kết của Liên hợp quốc, người phát ngôn của IOM Joel Millman cho rằng tuyến đường di cư tới châu Âu năm qua trở nên gian nan hơn nên số người di cư đi theo tuyến đường này đã giảm.
Tính từ đầu năm tới ngày 19/12, 113.145 người di cư và tị nạn đã tới châu Âu bằng đường biển và số người đi theo tuyến di cư này trong tháng qua ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp ghi nhận số người di cư và tị nạn tới châu Âu vượt ngưỡng 100.000 người.
[Libya từ chối tiếp nhận những người nhập cư bất hợp pháp]
Nhưng trong cùng khoảng thời gian tính từ đầu năm tới ngày 19/12, số người di cư tới châu Âu năm 2018 đã giảm so với năm 2017 (168.258 người) và năm 2016 (359.160 người).
Cùng ngày một tổ chức cứu trợ người di cư cho biết đã cứu gần 300 người di cư ngoài khơi Libya trong vòng 24 giờ qua. Tổ chức Open Arms cho biết đã cứu được những người di cư và đưa lên 3 tàu cứu hộ an toàn.
Từ cuối tháng 11, tổ chức này đã đưa 1 tàu tuần tra và 2 tàu khác tới thực hiện các chiến dịch cứu hộ tại khu vực bờ biển ngoài khơi Libya. Đây là khu vực nguy hiểm nhất với những người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu.
Theo IOM, hơn 1.300 người di cư đã thiệt mạng khi tìm đường tới Italy hoặc Malta kể từ đầu năm tới nay. Các tổ chức nhân đạo đã cử tàu cứu hộ tới những vùng biển này bất chấp sự phản đối của Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini.
Ông Salvini cáo buộc các tổ chức này đang cung cấp "dịch vụ taxi" cho người di cư và từ chối tiếp nhận những người di cư được cứu hộ tới các cảng của Italy. Malta cũng thường từ chối tiếp nhận các tàu cứu hộ./.