Theo Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, hơn 20.000ha rừng ở các lâm phần trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện đang dự báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, hơn 10.000ha đất của dân, đất dự án báo động nguy cơ xảy ra cháy, gây cháy lan vào rừng và ảnh hưởng đến khu dân cư.
Những vùng xung yếu, nguy hiểm tiềm ẩn khả năng cháy lớn và lan nhanh trên lâm phần tập trung ở các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, U Minh Thượng, An Minh và thị xã Hà Tiên.
Ông Trương Thanh Hào, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của mùa khô, Chi cục phân công cán bộ chuyên môn cập nhật thông tin, theo dõi dự báo cấp độ, điểm cháy rừng thông báo nhanh cho địa phương có rừng và chủ rừng gắn với thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống cháy trên các lâm phần. Tổ chức trực chiến 24/24 giờ để nắm bắt diễn biến tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng, chủ động hỗ trợ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy cho các địa phương và chủ rừng.”
Nhằm kiềm chế, giảm thiểu các vụ cháy rừng có thể xảy ra, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành chức năng hữu quan, địa phương có rừng và chủ rừng tập trung cao độ công tác phòng cháy trong cộng đồng cư dân làng rừng. Theo đó, hướng dẫn khoảng 2.250 hộ gia đình nhận khoán rừng, sinh sống ven rừng ký cam kết thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; thông tin tuyên truyền hàng ngày trên sóng phát thanh-truyền hình tỉnh và báo Kiên Giang; thông báo cấp dự báo cháy rừng, đóng cửa rừng vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao trên đài truyền thanh huyện, xã có rừng và thông tin lưu động theo các tuyến lộ, tuyến kênh quanh rừng, khu đông dân cư sinh sống.
Cùng với đó, tỉnh triển khai đồng bộ các phương án, biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Cụ thể là xây dựng 272 tổ, đội phòng chống cháy rừng cơ sở với khoảng 2.950 thành viên tham gia, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi tình huống xấu xảy ra; bơm hàng triệu m3 nước vào Vườn Quốc gia U Minh Thượng và lâm phần các huyện An Minh, Giang Thành, Hòn Đất giữ độ ẩm, giảm nguy cơ cháy; phát dọn thực vật thủy sinh các tuyến kênh trong rừng, tuyến tuần tra, kiểm soát, đắp đập giữ nước và xây dựng nhiều tháp canh lửa trên lâm phần vùng U Minh Thượng, Hòn Đất, Giang Thành.
Đối với rừng trên đảo Phú Quốc, cày ủi hơn 120km đường băng cản lửa ở Vườn Quốc gia Phú Quốc, đồng cỏ có nguy cơ cháy cao và nạo vét 82 giếng trữ nước phục vụ công tác chữa cháy.
Ngoài ra, các chủ rừng phối hợp lực lượng kiểm lâm, quân đội, công an xây dựng 72 điểm, chốt, trạm trên các cánh rừng có hàng trăm người trực tại vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao với đầy đủ phương tiện, thiết bị đảm bảo cho công tác chữa cháy kịp thời, hiệu quả.
Nhờ chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2016 nên các đám cháy xảy ra trên một số lâm phần tỉnh Kiên Giang được phát hiện sớm, khống chế, dập tắt nhanh.
Từ đầu mùa khô đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 20 vụ cháy đất vườn rẫy của dân, đất quy hoạch dự án và một số vụ cháy trong rừng gây thiệt hại diện tích 63ha rừng tràm tái sinh thưa xen trảng cỏ.
Trước tình hình dự báo cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm trong giai đoạn cao điểm của mùa khô, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương có rừng và đơn vị lâm nghiệp tiếp tục triển khai đồng bộ các phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ,” tăng cường hơn nữa các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết từ nay cho đến cuối mùa khô, tỉnh tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy có thể xảy ra, kịp thời phát hiện, dập tắt nhanh các đám cháy.
Các địa phương và chủ rừng không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là không để bị động, bất ngờ trước diễn biến phức tạp của thời tiết khô hạn và rừng trên các lâm phần; thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng chống cháy rừng. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ và trực chiến 24/24 giờ những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Thường xuyên vận hành máy móc, phương tiện, thiết bị để kịp thời sửa chữa hỏng hóc, đảm bảo phục vụ tốt việc chữa cháy khi tình huống xấu xảy ra./.