Hơn 2.000 người trên 18 tuổi ở Đà Nẵng chưa tiêm vaccine COVID-19

Hiện nay thành phố Đà Nẵng có 10 bệnh viện tham gia điều trị các ca mắc COVID-19, nhưng điều này cũng gây áp lực về nguồn nhân lực trong việc điều trị tập trung tại bệnh viện dã chiến.
Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Ngày 17/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho rằng số liệu báo cáo cho thấy tình hình dịch diễn biến phức tạp. Hiện Đà Nẵng còn trên 2.000 người dân (trên 18 tuổi) chưa được tiêm vaccine, với nhiều lý do khác nhau.

Bà Ngô Thị Kim Yến đề nghị, ngành y tế cần tổ chức tiêm vaccine cho những người chưa được tiêm. Cùng với đó, Sở Tư pháp tham mưu biện pháp với những người không đồng ý tiêm (với lý do không phù hợp) và phải chịu trách nhiệm khi mắc bệnh.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, hiện nay thành phố có 10 bệnh viện tham gia điều trị các ca mắc COVID-19, nhưng điều này cũng gây áp lực về nguồn nhân lực trong việc điều trị tập trung tại bệnh viện dã chiến.

[Bình Thuận phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi]

Do đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Y tế có phương án thống nhất để tiết kiệm và tối ưu hóa các lực lượng y, bác sỹ ở các quận, huyện. Sở rà soát khó khăn trong công tác điều trị như việc sử dụng quá tải cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy thở, nguồn nhân lực… để kịp thời bổ sung, mua sắm thiết bị; cố gắng giải quyết dứt điểm việc điều trị bằng thuốc.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trần Thanh Thủy cho biết các ca bệnh nặng đa số tập trung ở những người lớn tuổi, người bị bệnh nền, người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.

Do đó, ngành y tế kêu gọi các gia đình có người lớn tuổi chưa tiêm vaccine phải khẩn trương tiêm, vì đây là đối tượng dễ chuyển nặng khi mắc COVID-19.

Qua theo dõi, một số người dân mua test xét nghiệm phát hiện dương tính nhưng họ tự điều trị và không thông báo đến ngành y tế, chỉ khi chuyển nặng mới chuyển vào bệnh viện. Điều này gây khó khăn trong công tác điều trị.

Cũng liên quan đến công tác điều trị, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung cho biết, hiện bệnh viện dã chiến ký túc xá phía Tây ghi nhận nhiều ca chuyển nặng; dẫn đến thiếu hụt nhân lực, máy thở…

Bệnh viện dã chiến đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố tăng cường thêm giường hồi sức tích cực và bổ sung nguồn nhân lực. Bệnh viện đã thành lập tổ hướng dẫn, phân phối thuốc, giúp các bệnh viện địa phương dễ dàng sử dụng các thuốc điều trị cho bệnh nhân.

Tính từ 13 giờ ngày 16/2 đến 13 giờ ngày 17/2, Đà Nẵng ghi nhận 705 ca mắc COVID-19, trong đó 583 ca chưa cách ly. Hiện Đà Nẵng không có địa phương nào ở cấp độ 4; người trên 18 tuổi tiêm mũi 3 chiếm 40%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục