Ngày 6/11, Israel và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hơn 200 người dân Palestine tại Dải Gaza, bao gồm cả bệnh nhân và người chăm sóc, đã được sơ tán đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hoặc Romania để điều trị.
Theo WHO và COGAT, cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Israel phụ trách các vấn đề dân sự tại các vùng lãnh thổ của Palestine, tổng cộng có khoảng 230 người đã được sơ tán.
Trong một tuyên bố, COGAT nhấn mạnh đây là số lượng bệnh nhân và người chăm sóc lớn nhất đã rời qua cửa khẩu Kerem Shalom trong những tháng gần đây. Hoạt động này được thực hiện với sự hợp tác của UAE, Liên minh châu Âu (EU) và WHO.
Trong khi đó, WHO cho biết các bệnh nhân trên bao gồm những người mắc bệnh về máu, ung thư, thận và chấn thương. Những bệnh nhân này được chuyển từ Gaza qua cửa khẩu Kerem Shalom vào Israel, sau đó đến sân bay Ramon gần Eilat ở miền Nam Israel.
Trước đó, ngày 5/11, đại diện của WHO tại các vùng lãnh thổ Palestine, ông Rik Peeperkorn cho biết các trường hợp trên nằm trong số 14.000 người đang chờ ở Gaza để được sơ tán vì lý do y tế.
Tuy nhiên, chưa đến 5.000 người được cấp phép sơ tán y tế khỏi vùng lãnh thổ này kể từ khi bùng phát xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel vào tháng 10 năm ngoái.
Theo số liệu của Cơ quan y tế tại Gaza, gần 43.400 người Palestine đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị thương trong hơn 1 năm xung đột nói trên. Bên phía Isarel ghi nhận 1.206 người thiệt mạng và hơn 200 người bị Hamas bắt giữ.
Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho Người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Philippe Lazzarini cho biết cơ quan này đang đối mặt với “tình cảnh bi đát nhất” và cần sự hỗ trợ từ các thành viên Liên hợp quốc sau khi Israel quyết định cắt đứt quan hệ với tổ chức này.
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Lazzarini nhấn mạnh nếu không có sự can thiệp của các quốc gia thành viên, UNRWA sẽ phải giải thể, từ đó làm sụp đổ hoạt động ứng phó nhân đạo của Liên hợp quốc, vốn phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng của cơ quan này, đồng thời đẩy hàng triệu người Palestine vào cảnh hỗn loạn.
Ông cho rằng việc thực thi lệnh cấm đối với tổ chức này tại Israel và Đông Jerusalem bị chiếm đóng - sắc lệnh vốn đã được Quốc hội Israel thông qua vào tháng trước - sẽ gây ra hậu quả thảm khốc.
Trong trường hợp không có một chính quyền hoặc nhà nước có năng lực, chỉ có UNRWA mới có thể cung cấp giáo dục cho hơn 650.000 trẻ em gái và trẻ em trai ở Gaza. Nếu UNRWA giải thể, cả một thế hệ sẽ bị từ chối quyền được giáo dục.
Liên quan vấn đề này, trong phản hồi chính thức, Liên hợp quốc cho biết tổ chức đa phương này không thể và không có đủ nguồn lực để đảm nhận trách nhiệm thay thế UNRWA.
Trước đó, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, trong đó có đồng minh Mỹ cũng như Anh và Đức, Quốc hội Israel vẫn thông qua quyết định đóng cửa hoạt động của UNRWA. Nước này sẽ chấm dứt thỏa thuận hợp tác năm 1967 với UNRWA bao gồm bảo vệ, di chuyển và quyền miễn trừ ngoại giao của tổ chức này. Các hoạt động của UNRWA tại Israel cũng sẽ chấm dứt kể từ cuối tháng 1/2025.
Liên hợp quốc coi Gaza và Bờ Tây là vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng. Luật nhân đạo quốc tế yêu cầu bên chiếm đóng phải đồng ý với các chương trình cứu trợ cho những người đang gặp khó khăn và tạo điều kiện cho họ "bằng mọi phương tiện có thể," đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn về thực phẩm, chăm sóc y tế, vệ sinh và sức khỏe cộng đồng./.
UNRWA: Lệnh cấm của Israel làm “sụp đổ” hoạt động nhân đạo tại Gaza
Luật mới quy định UNRWA sẽ không được phép cử đại diện, cung cấp các dịch vụ hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, trên lãnh thổ Israel.