Trong một rạp xiếc thú xập xệ với những chỗ ngồi bằng nhựa đã vỡ, giữa tiếng nhạc chói tai, một diễn viên xiếc thú cầm chiếc roi sắt điều khiển một con hổ đi thăng bằng trên một quả bóng nhựa lớn.
Ở gần đó, ba con hổ khác nằm dửng dung trên những bục sắt. Rồi lần lượt, chúng làm những trò nhào lộn, nhảy qua vòng và đứng lên ngồi xuống trước khi trở lại trong lồng nhốt.
Khung cảnh trên diễn ra vào 14 giờ 30 chiều hàng ngày ở công viên Xiongsen, tỉnh Quế Lâm, Tây Nam Trung Quốc.
Công viên này từng là một trong những điểm tham quan thu hút khách du lịch, nhưng những năm gần đây đã trở nên ế khách và trông như một vườn thú lỗi thời.
Tuy nhiên, tỷ lệ nghịch với số lượng khách giảm dần, số lượng hổ được nuôi nhốt ở đây lại bùng nổ lên đến hơn 1.800 con.
Theo số liệu gần nhất, trên toàn thế giới chỉ có 3.890 con hổ đang sống trong điều kiện hoang dã. Nếu chỉ dựa vào tiền bán vé cho khách tham quan, công viên không thể nuôi sống được một phần số hổ này.
Nhưng thực tế, khung cảnh ảm đạm chỉ là vỏ bọc che giấu mục đích thật sự của công viên - phối giống hổ để làm nguyên liệu chế biến rượu hổ cốt tại một nhà máy ngầm cách đó 300km ở tỉnh Quảng Tây.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, khi những con hổ ở công viên Xiongsen chết đi - vì tuổi già, bệnh tật hay do đánh nhau với đồng loại - chúng đều được đưa tới nhà máy, nơi xương cốt chúng được ngâm vào những bể rượu gạo trong khoảng 8 năm. Số rượu này sau đó được đóng thành chai và bán với giá từ 320-4.000 nhân dân tệ (khoảng 49-615 USD) cho nửa lít.
Tờ Post Magazine đã từng thực hiện phóng sự về hoạt động kinh doanh hổ ở Xiongsen hồi năm 2007, khi công viên này vẫn còn thu hút được hàng trăm lượt khách mỗi ngày và nổi tiếng với màn cho hổ ăn - những con bò được thả vào chuồng hổ để bầy mèo lớn cắn xé đến chết trước sự chứng kiến của khách tham quan.
Khi đó, rượu hổ cốt được bán công khai với giá 450-900 nhân dân tệ (khoảng 69-138 USD) một chai tại một cửa hàng có bày bộ xương hổ trong hộp kính.
Nhà hàng trong công viên cũng phục vụ thực đơn gồm thịt sư tử - 380 tệ/đĩa (khoảng 58 USD), tay gấu - 7.200 tệ/đĩa (hơn 1.100 USD) và thịt hổ - 480 tệ/đĩa (khoảng 73 USD).
Những tranh cãi nổi lên cùng nhiều bài báo sau đó đã buộc cửa hàng và nhà hàng nói trên đóng cửa, dẫn đến sự sụt giảm khách đáng kể ở công viên Xiongsen.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả, nhu cầu về rượu hổ cốt vẫn chưa bao ngờ thuyên giảm, và tới nay còn cao hơn xưa, khi cơ sở ở Quế Lâm này, cùng một công viên hổ được chính phủ cấp phép khác ở Cáp Nhĩ Tân đang cung cấp một phần đáng kể nguyên liệu cho thị trường.
Việc nuôi hổ để lấy các bộ phận cơ thể chúng là một hành vi bị nghiêm cấm trong Công ước Thương mại Quốc tế về các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng mà Trung Quốc đã ký. Tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh lại không có động thái gì với những người nuôi nhốt hổ, với khẳng định rằng hoạt động này làm giảm săn bắn trái phép động vật hoang dã.
Các nhóm bảo tồn là những người kịch liệt phản đối điều này và cho biết với nhu cầu ngày càng tăng, các trại nuôi hổ thực tế lại khuyến khích săn bắt hổ ở các nước khác như Ấn Độ, nơi chi phí săn một con hổ hoang dã rẻ hơn nhiều so với chi phí nuôi dưỡng chăm sóc một con hổ nuôi nhốt.
Kênh tin tức quốc gia CCTV của Trung Quốc cũng từng đưa tin về vụ việc gây tranh cãi này qua báo cáo về Xiongsen năm 2014. Vì thế, ngày càng có ít du khách tới đây tham quan. Trong công viên, những con hổ không được chú ý chăm sóc ngày càng xơ xác, gầy mòn. Một nhân viên cho biết, do có quá nhiều hổ, việc cho chúng ăn uống trở nên khó khăn hơn, và cũng không đủ thức ăn cho tất cả bầy hổ ở đây.
Theo quan niệm y học cổ truyền Trung Quốc, rượu hổ cốt có khả năng chữa đau lưng, thấp khớp, kéo dài tuổi thọ, cũng như tráng dương. Shruti Suresh, một nhà hoạt động chiến dịch vì động vật hoang dã với Cơ quan điều tra Môi trường (EIA) cho biết thị trường kinh doanh rượu cao hổ cốt đang phát triển rất nhanh.
“Rượu hổ cốt là một món hàng đắt giá. Thật thú vị là công viên Xiongsen đã bị để mặc quá lâu, và có quá ít nhân viên ở đó. Họ nói rằng muốn tạo cảm giác công viên có tác dụng bảo tồn, hoặc nâng cao nhận thức về loài hổ hoang dã. Tuy nhiên, cũng như bất cứ ngành kinh doanh nào khác, lợi nhuận mới là quan trọng với họ.”
EIA cũng cho biết có nhiều trang trại nuôi hổ ở Đông Nam Á, nhất là một trại có tới 500 con ở Lào, thuộc vùng đặc khu kinh tế gần biên giới Trung Quốc.
“Hổ đang sinh sản ở tốc độ cao, và số lượng hổ nuôi nhốt ở Trung Quốc có thể tăng gấp ba lần hiện tại nếu không có biện pháp chủ động ngăn hổ sinh sôi. Nếu Trung Quốc thực sự nghiêm túc với việc bảo tồn hổ, họ có thể mời các chuyên gia bảo tồn và giải cứu động vật tới hỗ trợ xây dựng chính sách xử lý các cơ sở nuôi hổ không đến nơi đến chốn hoặc có ý định cho chúng giao phối," Suresh chia sẻ./.